Cuối tháng 6/2023, Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy đã tổ chức Hội nghị công bố công khai đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu công viên, hồ điều hòa thuộc khu đô thị tây nam Hà Nội, tỷ lệ 1/500, thuộc các phường Trung Hòa và Yên Hòa. Đây là tin vui đối với đông đảo người dân sinh sống trong khu vực, bởi dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, đã được cấp phép xây dựng từ tháng 5/2014, nhưng do nhiều yếu tố cho nên đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Mở rộng những không gian xanh
Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết, mật độ xây dựng dự án là 4,99%, tầng cao công trình một tầng. Dự án xây dựng sẽ hình thành khu công viên mở gắn với cảnh quan mặt nước hồ điều hòa, cây xanh, thể dục thể thao, vui chơi giải trí ngoài trời và vui chơi giải trí ngầm dưới đất, tạo điểm nhấn cho cảnh quan kiến trúc đô thị. Tại hội nghị, chủ đầu tư cam kết hoàn thành và đưa vào sử dụng tất cả hạng mục dự án vào quý IV/2025.
Còn đối với dự án Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông, theo đại diện Ủy ban nhân dân quận Hà Đông, công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích gần 53 ha đã hoàn thành; giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quận quản lý, chống tái lấn chiếm. Ủy ban nhân dân quận đã báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố giao đơn vị chức năng lập tổng thể quy hoạch chi tiết. Ủy ban nhân dân quận lập chủ trương và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1. Dự kiến công viên được hoàn thành trước năm 2025.
Bài 2: Đổi mới cách tiếp cận
Mới đây, ngày 4/8, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn ký ban hành Quyết định số 3932 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Khu công viên tưởng niệm Danh nhân Chu Văn An, tỷ lệ 1/500, giai đoạn 2. Khu công viên này là khu công viên cây xanh, vui chơi giải trí kết hợp các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời phục vụ cộng đồng dân cư và khách tham quan Khu tưởng niệm Danh nhân Chu Văn An.
Đây là cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt và tổ chức không gian cảnh quan gắn kết với Khu tưởng niệm Danh nhân Chu Văn An giai đoạn 1 đang xây dựng theo quy hoạch và khớp nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực, tránh tình trạng đất đai bỏ hoang, lãng phí kéo dài nhiều năm. Ủy ban nhân dân thành phố giao Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức lập quy hoạch chi tiết trong thời gian không quá sáu tháng.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, thực hiện Chương trình số 03 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp bốn công viên hiện có và đầu tư thêm sáu công viên. Trong quá trình thực hiện, Sở đã tham mưu thành phố đẩy mạnh phân cấp cho các quận, huyện, thị xã để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án này.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thành phố chỉ quản lý năm công viên, còn lại phân cấp cho các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư. Thời gian qua, việc xây dựng các vườn hoa mi-ni tại các địa phương được triển khai tốt. Để thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng các công viên chuyên đề, cần công khai các quy hoạch; đồng thời, thống kê trên toàn thành phố (cả khu vực các huyện ngoại thành) để có bức tranh tổng thể về các công viên, vườn hoa cần đầu tư xây dựng, bởi đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Bài 3: Còn nhiều dự án chậm tiến độ và bị bỏ hoang
Bên cạnh việc kêu gọi xã hội hóa, một khó khăn trong đầu tư công viên, vườn hoa là thiếu quỹ đất, nhất là ở khu vực nội thành vốn chật chội. Để phấn đấu chỉ tiêu cây xanh, công viên khu vực nội đô đến năm 2030 dự kiến từ 4-4,5 m2/người, thành phố cần ưu tiên quỹ đất sau khi di dời các cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh phục vụ cộng đồng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên, vườn hoa để phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở, phù hợp với hiện trạng và khu vực liền kề. Các công viên, vườn hoa sẽ được xây dựng theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, giảm chi phí đầu tư và chi phí duy tu, duy trì và thực hiện bằng đầu tư công.
Thành phố giao Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công viên xây mới, hoàn thành các dự án đúng kế hoạch; đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư dự án phát triển khu đô thị sớm hoàn thành, bàn giao các công viên, vườn hoa để phục vụ người dân. Đáng chú ý, để khuyến khích xã hội hóa, giảm chi phí đầu tư, chi phí quản lý công viên cây xanh, thành phố Hà Nội khuyến khích đầu tư xã hội hóa đối với những công viên chuyên đề. Trong trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành việc đầu tư theo cam kết đầu tư, thành phố sẽ thực hiện thu hồi giấy phép để kêu gọi nhà đầu tư khác thực hiện hoặc chuyển sang hình thức đầu tư công.