Mở rộng những không gian xanh

Bài 2: Đổi mới cách tiếp cận

Ðể khắc phục những hạn chế về thiếu không gian xanh của Thủ đô, bên cạnh việc xây dựng những công viên, vườn hoa mới, cần có tư duy đột phá. Trong đó, phải làm sao để công viên, vườn hoa có sức hút, để người dân dễ dàng tiếp cận, thu hút các nguồn lực của cộng đồng là yếu tố hết sức quan trọng. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều đổi mới trong kiến tạo những không gian xanh cho người dân. Ðiển hình như một số công viên đã dỡ rào, đổi mới hoạt động, thu hút cộng đồng, cũng như khách du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian rộng lớn với mầu xanh mướt cùng những vườn hoa đua nhau khoe sắc tại khu vực Công viên Thống Nhất trên phố Trần Nhân Tông. (Ảnh CẨM ANH)
Không gian rộng lớn với mầu xanh mướt cùng những vườn hoa đua nhau khoe sắc tại khu vực Công viên Thống Nhất trên phố Trần Nhân Tông. (Ảnh CẨM ANH)

Dịp này, bất kỳ ai đi qua khu vực phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) đều không khỏi ngỡ ngàng trước không gian rộng lớn với mầu xanh mướt cùng những vườn hoa đua nhau khoe sắc.

Từ một chủ trương đột phá

Phố Trần Nhân Tông nằm theo trục đông-tây, phía bắc là hồ Thiền Quang, phía nam là Công viên Thống Nhất. Từ lề đường phía nam con phố đến Công viên Thống Nhất có một khoảng không khá lớn là thảm cỏ, trồng cây. Nhưng trước đây, người ta vẫn cảm thấy bí bách, do có rào sắt cao tới hơn 2 m được dựng lên, ngăn cách tường rào với không gian của công viên. Thực hiện chủ trương trả công viên về với cộng đồng của thành phố, từ cuối năm 2022, Sở Xây dựng, quận Hai Bà Trưng đã phối hợp đồng loạt dỡ rào, cải tạo Công viên Thống Nhất thành không gian mở. Dải cây xanh bên đường Trần Nhân Tông được hợp khối với Công viên Thống Nhất. Cùng với đó, cơ quan chức năng cải tạo lại các bồn hoa, cây cảnh. Riêng Công ty Công viên Thống Nhất trồng 10 nghìn cây hoa hồng từ khu vực tượng đài Công an nhân dân đến cổng chính của công viên trên đường Trần Nhân Tông.

Người dân rất phấn khởi đón nhận những đổi mới này. Số lượng người đến với Công viên Thống Nhất tăng mạnh. Nhất là vào dịp cuối tuần, với việc quận Hai Bà Trưng tổ chức Không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông-Công viên Thống Nhất, hàng nghìn lượt người tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực, mua sắm tại đây từ sáng sớm đến tận khuya. Bà Nguyễn Thanh Hà cho biết: Công viên bây giờ mới thật sự là không gian của mọi người dân. Cuối tuần, tôi thấy có khá nhiều khách du lịch từ các nơi đến đây tham quan, vui chơi". Cũng giống như Công viên Thống Nhất, Công viên Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), với tổng diện tích 6.540 m2 bao gồm khu vui chơi cho trẻ em, khu thể dục thể thao, khu hồ nước và quảng trường, cũng được tháo bỏ tường rào chắn từ đầu năm nay, giúp người dân có thể tự do ra, vào công viên.

Tại thị xã Sơn Tây, thành cổ Sơn Tây không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị lớn về sinh thái-môi trường. Không chỉ trong thành cổ có nhiều cổ thụ, mà những con đường bao bọc quanh thành cổ cũng rợp bóng cây xanh. Bao quanh thành cổ còn có hào nước rộng hàng chục mét. Nhiều người dân trên địa bàn thị xã thường gọi đây là "công viên Thành cổ". Tuy nhiên, Thành cổ Sơn Tây chỉ thật sự trở thành nơi thư giãn, vui chơi của người dân khi thị xã Sơn Tây biến nơi đây thành không gian đi bộ vào những dịp cuối tuần. Chính quyền thị xã Sơn Tây đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tại đây, biến thành cổ thành một không gian văn hóa xanh. Trung bình, mỗi dịp cuối tuần phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây thu hút khoảng 10 nghìn người.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Dương Ðức Tuấn cho biết, trong thời gian qua tại thành phố, nhiều công viên, vườn hoa được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo như: Công viên Hòa Bình, Cầu Giấy, Indira Gandhi, Công viên hồ Thành Công, Nghĩa Ðô, Yên Sở, Ðống Ða, Yên Hòa…, hay các vườn hoa Lê-nin, Lý Thái Tổ, Lý Tự Trọng, Hàng Ðậu, dải vườn hoa chung quanh hồ Hoàn Kiếm… Sau khi dỡ rào Công viên Thống Nhất, thành phố có kế hoạch cải tạo các công viên lớn theo hướng mở để phục vụ cộng đồng.

Huy động sức mạnh từ cộng đồng

Từ khoảng 16 giờ chiều, công viên-rừng Chương Dương (nằm ven sông Hồng, trên địa bàn phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) bắt đầu rộn rã tiếng nói, tiếng cười khi người dân bắt đầu ra đây vui chơi, luyện tập. Không gian hơn 10 nghìn m2 được chia thành các tiểu khu khác nhau: Khu vườn rừng với các loại rau, dược liệu; khu công viên và khu vườn giác quan. Trong đó, đông nhất là khu công viên với sân bóng rổ, khu vực vui chơi cho trẻ em, khu vực lắp đặt các thiết bị tập luyện thể thao… Ðịa bàn ngoài đê sông Hồng tại quận Hoàn Kiếm là nơi có mật độ dân cư đông đúc, người dân thiếu không gian công cộng, không gian xanh, cho nên sự ra đời của công viên - rừng Chương Dương tại đây được nhiều người mong đợi. Ðiều đáng nói hơn, sự ra đời, hoạt động của công viên bắt nguồn từ những nỗ lực của cộng đồng. Nơi đây vốn là một bãi rác khổng lồ. Nhóm Vì một Hà Nội đáng sống đã khởi xướng việc cải tạo một đoạn bờ vở (dải đất ven sông theo cách gọi của người dân) sông Hồng. Ban đầu, những nhóm tình nguyện phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương dọn rác, cải tạo mặt bằng, trồng cây…

Thấy được lợi ích của công viên, cộng đồng bị cuốn theo những hoạt động của các hội, nhóm, đoàn thể. Nhiều người trước đây vốn không tin vào hoạt động của công viên, nay lại trở thành những người đi đầu trong việc bảo vệ, gìn giữ công viên-rừng Chương Dương. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chương Dương cho biết: "Chính quyền quận Hoàn Kiếm giúp đỡ nhân dân lấy lại mặt bằng, phần còn lại, từ dọn dẹp, cải tạo, mua sắm thiết bị… cho công viên đều do các tổ chức xã hội, người dân đóng góp. Hiện giờ chính nhân dân và các đoàn thể đang tự tổ chức công tác quản lý, vận hành công viên".

Trong bối cảnh Hà Nội đất chật, người đông, ngân sách còn hạn chế thì việc huy động sức mạnh cộng đồng để xây dựng công viên như ở phường Chương Dương là mô hình sáng tạo. Ngoài mô hình công viên lớn như vậy, trên địa bàn thành phố còn có hàng trăm mô hình kiến tạo mầu xanh khác. Tại nhiều khu dân cư đông đúc, nơi mầu xanh hiếm hoi, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đã vận động nhân dân xây dựng những "công viên mi-ni" ngay trong những khu dân cư, hay cải tạo những tuyến đê ngập rác thành những vườn hoa lớn. Ðiển hình như quận Hoàng Mai, nơi có tuyến đê Hữu Hồng chạy qua. Riêng phường Thanh Trì đã cải tạo được 2,5 km tuyến đê thành những tuyến đê hoa. Mới đây, chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập quận Hoàng Mai, nhiều phường dọc sông Hồng đã thi đua thực hiện công tác duy tu, duy trì, chỉnh trang mái đê và văn minh đô thị trên địa bàn phường, tạo nên những đường hoa đẹp trên mái đê. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Thanh Trì Dương Văn Hòa cho biết, việc cải tạo, trồng những tuyến đê hoa chủ yếu là do công sức nhân dân đóng góp. Song song với công tác cải tạo, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục duy trì tốt việc kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo vệ những tuyến đê hoa này.

Nhiều công viên, vườn hoa mi-ni trên địa bàn hình thành từ chính những bãi rác lâu năm; nhiều tuyến đê ở các quận, huyện như: Gia Lâm, Thanh Trì, Ðan Phượng, Long Biên... được phủ kín bởi các loài hoa, vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa góp phần cải thiện môi trường. Hoạt động của cộng đồng đã lấp đầy những khoảng trống, bổ sung hữu ích vào hệ thống công viên, vườn hoa của thành phố.

(Còn nữa)
(Tiếp theo ) (★)
(★) Xem Trang Hà Nội Báo Nhân Dân từ số ra ngày 15/8/2023.