Dự án Công viên hồ điều hòa khu đô thị tây nam Hà Nội, thuộc địa phận phường Trung Hòa và Yên Hòa, quận Cầu Giấy, có vị trí đắc địa, với diện tích đất hơn 112 ha, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn VNT làm chủ đầu tư. Dự án được cấp phép xây dựng từ năm 2014, nhằm phát triển các công trình phúc lợi xã hội phục vụ người dân, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, đất đai bỏ hoang lãng phí, trong khi chung quanh các dự án phát triển nhà ở đã mọc lên san sát. Nơi từng được kỳ vọng là lá phổi xanh phía tây nam thành phố Hà Nội nay cỏ mọc um tùm, một phần diện tích được người dân tận dụng trồng rau, dùng làm bãi đỗ xe tạm.
Còn tại dự án Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang, có tổng diện tích gần 12 ha, thuộc địa phận phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, được Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng đô thị cùng Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội xây dựng từ năm 2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2017, nhưng đến nay vẫn dang dở.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, công viên được thiết kế theo phong cách sân golf cao cấp với đầy đủ các tiện ích như khu quảng trường vui chơi, khu khách sạn, nhà hàng bến thuyền, đường dạo nội bộ, đầm sen, rừng thông, đài phun nước..., tạo điểm nhấn sang trọng, nhưng gần gũi với môi trường, cảnh quan, tạo cảm hứng sáng tạo và tận hưởng cuộc sống ý nghĩa cho cư dân giữa lòng Thủ đô.
Nhưng đến nay, nhiều hạng mục như hồ nước, đường dạo nội bộ, khu vực quảng trường đã được đầu tư xây dựng, nhưng dở dang, chưa hoàn thiện và có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí rất lớn. Phía bên ngoài công viên vẫn bịt tôn kín mít, còn bên trong không có hoạt động xây dựng.
Tương tự như trên, sau gần bảy năm được công bố quy hoạch, hiện trạng công viên Chu Văn An có tổng diện tích hơn 50 ha, nằm trên địa bàn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì vẫn là một bãi cỏ um tùm, một số khu vực còn trở thành địa điểm tập kết rác thải, phế thải xây dựng hoặc làm bãi dạy lái xe ô-tô... Theo quan sát của chúng tôi, một số hạng mục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án như tường rào, đường giao thông chưa thi công hoàn thiện, gây nhếch nhác đô thị, khiến người dân bức xúc.
Anh Nguyễn Văn Lam, người dân thôn Yên Xá, xã Tân Triều cho biết, đây là khu vực tập trung dân cư đông đúc, lại gần Bệnh viện K Tân Triều, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, người dân rất thiếu địa điểm vui chơi, giải trí công cộng. Trong khi đó, dự án Công viên Chu Văn An triển khai chậm trễ. Đất đai rộng rãi, không gian thoáng đãng bỏ hoang lãng phí. Người dân rất mong muốn công viên sớm được đầu tư xây dựng.
Thông tin về tiến độ triển khai xây dựng các công viên mới, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cả sáu dự án đều chậm trễ, trong đó ba dự án đã khởi công xây dựng, gồm Công viên hồ điều hòa CV1 gói thầu thi công xây dựng đạt hơn 92% khối lượng và còn hơn 1.000 m2 chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Dự án Công viên Chu Văn An mới hoàn thành 80% khối lượng xây dựng hạ tầng kỹ thuật và còn 5% diện tích đất vướng mắc giải phóng mặt bằng. Dự án Công viên hồ Phùng Khoang hiện đã đạt khoảng 80% hạng mục hồ điều hòa, đường dạo, rào chắn, trồng cây xanh..., dự kiến hoàn thành vào quý IV năm 2024.
Ngoài những công viên, vườn hoa lớn chậm tiến độ, trên địa bàn thành phố còn không ít công viên, vườn hoa khác bị “bỏ rơi” sau thời gian đưa vào hoạt động, điển hình như công viên Trần Quang Diệu, công viên 1-6 trên địa bàn quận Đống Đa. Do không được duy trì chăm sóc thường xuyên, nhiều hạng mục trong công viên xuống cấp nhanh chóng, thậm chí có nơi biến thành điểm tập kết phế thải, khiến người dân không dám đến gần. Các công viên, vườn hoa xuống cấp, hoang tàn giữa không gian chật chội, người dân không có nơi thư giãn, không chỉ mất mỹ quan đô thị, mà còn là sự lãng phí rất lớn nguồn lực đầu tư của xã hội.
Từ năm 2014, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với diện tích cây xanh hơn 13.520 ha, tổng kinh phí hơn 270.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư phát triển cây xanh còn khó khăn và chủ yếu dựa vào ngân sách. Vì thế, thành phố khuyến khích đầu tư công viên, vườn hoa theo hình thức xã hội hóa.
Theo nhận định của các chuyên gia quy hoạch, xã hội hóa là xu hướng tất yếu trong công tác phát triển công viên, vườn hoa, cây xanh đô thị tại Hà Nội. Chỉ tiêu không gian xanh của nhiều đô thị trên thế giới là từ 9 - 10 m2/người, nhưng chỉ tiêu này ở nhiều quận, huyện của thành phố Hà Nội rất thấp, chưa được 2 m2/người. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho biết, phát triển không gian xanh trong đó có công viên, vườn hoa là vấn đề cấp bách của thành phố Hà Nội. Để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, thành phố cần tính toán có thêm các ưu đãi ngoài việc doanh nghiệp được khai thác, kinh doanh phần công trình xây dựng, với mật độ xây dựng 5%.
(Còn nữa)
-------------------------------------------
(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 15 và 18/8/2023.