Chính sách giáo dục nghề nghiệp nổi bật trong ba chương trình mục tiêu quốc gia

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được phê duyệt ba tiểu dự án. Xin giới thiệu một số điểm nổi bật của các nội dung về giáo dục nghề nghiệp ở 3 chương trình quan trọng này.
0:00 / 0:00
0:00
Cánh đồng lúa nước của đồng bào Cơ Tu ở xã A Xan, huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam. (Ảnh: Quốc Việt)
Cánh đồng lúa nước của đồng bào Cơ Tu ở xã A Xan, huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam. (Ảnh: Quốc Việt)

Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, một nội dung đáng quan tâm là Tiểu dự án 1 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” trong Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững”.

Tổng kinh phí đã được phê duyệt là 15.300 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư phát triển: 3.300 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 12.000 tỷ đồng.

Mục tiêu của chương trình là phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đối tượng là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan…

Tiểu dự án xây dựng gồm 5 nội dung, hoạt động.

Trước hết, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo.

Cùng với đó, xây dựng các chuẩn về giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp; phát triển chương trình, học liệu; phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp với đối tượng, trình độ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo;

Thêm vào đó, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo.

Đồng thời, phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo

Cuối cùng là đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

Tổng kinh phí đã được phê duyệt là 15.300 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư phát triển: 3.300 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 12.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương: 7.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 4.800 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác: 3.500 tỷ đồng.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, có Tiểu dự án 3 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.

Chương trình được thực hiện trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó trọng tâm là địa bàn đặc biệt khó khăn (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn), xã an toàn khu (ATK) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình gồm 10 dự án với 14 tiểu dự án thành phần.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 thực hiện trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó trọng tâm là địa bàn đặc biệt khó khăn (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn), xã an toàn khu (ATK) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có Tiểu dự án 3 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

Mục tiêu của tiểu dự án là mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

Đối tượng là người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra còn có các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các trung tâm dịch vụ việc làm, cơ sở giới thiệu việc làm; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Tiểu dự án xây dựng gồm 6 nội dung, hoạt động, cụ thể.

Thứ nhất, xây dựng các mô hình đào tạo nghề, giao nhiệm vụ/đặt hàng/đấu thầu đào tạo nghề.

Thứ hai, hỗ trợ đào tạo nghề.

Thứ ba, hỗ trợ người lao động thuộc vùng dân tộc thiểu số để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thứ tư, chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm. Cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm việc làm.

Thứ năm, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Phát triển, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy; xây dựng các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp; số hóa các chương trình, giáo trình, học liệu; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý dạy và học; hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và công trình phục vụ sinh hoạt, tập luyện cho người học; mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ đào tạo;

Thứ sáu, tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề; kiểm tra, giám sát...

Tổng kinh phí đã được phê duyệt là 12.620,703 tỷ đồng (vốn sự nghiệp). Trong đó, ngân sách trung ương: 7.614,241 tỷ đồng (vốn sự nghiệp), ngân sách địa phương: 5.006,462 tỷ đồng.

Tiếp tục nâng cao đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Một điểm nhấn nữa về giáo dục nghề nghiệp là nội dung 09 “Tiếp tục nâng cao lao động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường; hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn”. Đây là nội dung thuộc thành phần 03 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Phạm vi thực hiện Chương trình trên địa bàn nông thôn của cả nước, bao gồm các thôn, các xã, các huyện, các thị xã và thành phố thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố thuộc trung ương. Chương trình gồm 11 nội dung thành phần.

Nội dung 09 về giáo dục nghề nghiệp thuộc Nội dung thành phần 03: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững”.

Mục tiêu đặt ra là có 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 10 về thu nhập; 95% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 12 về lao động; 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; có 50% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 10 về thu nhập; 50% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 12 về lao động; 50% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.

Ngoài ra, có ít nhất 60% số huyện đạt chuẩn tiêu chí số 6 về kinh tế thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% số huyện đạt chuẩn tiêu chí số 6 về kinh tế thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao.

Đối tượng là người dân, cộng đồng dân cư, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế-xã hội trên địa bàn nông thôn của cả nước.

Một số nội dung, hoạt động được đề xuất cụ thể trong chương trình này. Cụ thể là tập trung tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Điều tra, khảo sát, dự báo, đánh giá nhu cầu đào tạo, khả năng đào tạo ngành nghề của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Song hành với đó, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy nghề cho lao động nông thôn; phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu học nghề; số hóa chương trình đào tạo nghề.

Xây dựng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả cho lao động nông thôn theo từng ngành, lĩnh vực để tổ chức triển khai nhân rộng; đấu thầu/đặt hàng/giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 khoảng 2,45 triệu tỷ đồng.

Hỗ trợ đầu tư sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện vận chuyển đào tạo lưu động cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng mới danh mục nghề, chuẩn đầu ra, định mức kinh tế-kỹ thuật cho một số ngành nghề phổ biến.

Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 khoảng 2,45 triệu tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương: 39.632 tỷ đồng (vốn sự nghiệp); vốn ngân sách địa phương: dự kiến khoảng 156.743 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có vốn lồng ghép từ hai chương trình mục tiêu quốc gia còn lại và các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn để hỗ trợ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới là khoảng 224.080 tỷ đồng. Vốn tín dụng dự kiến khoảng 1,79 triệu tỷ đồng. Vốn doanh nghiệp dự kiến khoảng 105.500 tỷ đồng. Huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng dự kiến khoảng 139.300 tỷ đồng.

Chương trình này không quy định cụ thể các hoạt động và kinh phí thực hiện từng nội dung thuộc Nội dung thành phần.