Tại các điểm cầu, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên gồm các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum đã dự họp và nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn mình; kiến nghị những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Theo đó, từ khi triển khai các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, toàn vùng Tây Nguyên đã được phân bổ nguồn ngân sách hơn 11.000 tỷ đồng chiếm 11,79% tổng ngân sách Trung ương; năm 2022, là 3.800 tỷ đồng, chiếm 11,38% vốn hỗ trợ trong toàn quốc.
Từ nguồn vốn được hỗ trợ, các tỉnh trong khu vực đã kịp thời phân bổ cho các địa phương, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tế và đối tượng… nhờ vậy đã góp phần nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ đói nghèo cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đóng góp thiết thực cho quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Từ khi triển khai các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, toàn vùng Tây Nguyên đã được phân bổ nguồn ngân sách hơn 11.000 tỷ đồng chiếm 11,79% tổng ngân sách Trung ương; năm 2022, là 3.800 tỷ đồng, chiếm 11,38% vốn hỗ trợ trong toàn quốc.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc mà tập trung là: Trung ương chưa ban hành đầy đủ các văn bản; có văn bản chưa phù hợp với thực tế; những hướng dẫn nhất là hướng dẫn các tiểu dự án còn thiếu; việc phân bổ vốn, ở một số địa phương còn chậm, thậm chí lúng túng; việc sử dụng vốn còn hợp lý theo từng chương trình…
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ với những khó khăn mà các địa phương vùng Tây Nguyên, với những đặc thù về địa lý, giao thông và trình độ dân trí đang đối diện. Phó Thủ tướng cho rằng, các chương trình mục tiêu quốc gia gồm: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, là 3 chương trình có ý nghĩa rất lớn nhằm chăm lo cho những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa để kéo gần sự chênh lệch giữa đô thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Một trong những nội dung chính mà Đoàn muốn đặt ra trong chuyến công tác này là muốn tìm hiểu cùng các địa phương tháo gỡ những vướng mắc về việc đầu tư các dự án đồng thời có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai thực hiện các chương trình hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (thứ 3 từ phải sang) đến thăm và làm việc tại làng Đê Kjêng, xã Ayun, huyện Mang Yang. |
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thời gian để hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia không còn nhiều, các địa phương vùng Tây Nguyên cần phải tập trung triển khai và cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế; bổ sung những vấn đề còn bất cập, còn thiếu và phải hoàn thành trong quý I/2023.
Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương một số vấn đề: Đối với các địa phương sử dụng, bố trí vốn các chương trình mục tiêu quốc gia chậm, chưa hợp lý, cần rút kinh nghiệm và nhanh chóng khắc phục; Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; rà soát việc bố trí, sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả, tránh dàn trải và tránh những tiêu cực phát sinh….
“Trong quá trình triển khai các dự án, chương trình... các địa phương cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và giữa các địa phương. Ngoài ra, các địa phương cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, phù hợp với địa phương mình để qua đó cùng nhau tháo gỡ, rút kinh nghiệm và cùng nhau hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng tiến độ, kế hoạch...”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
* Trước đó, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu đã có chuyến khảo sát thực tế về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Mang Yang và huyện Đắk Đoa; thăm, động viên và tặng quà bà con xã A Dơk (huyện Đắk Đoa); thăm, tặng quà cho dân làng Đê Kjêng (Mang Yang) và tặng quà cho các em học sinh ở Trường tiểu học Ayun số 2-mẫu giáo Ayun tại làng Đê Kjêng.