Bảo đảm cung ứng đủ năng lượng dầu khí cho phát triển đất nước

Chiều 10/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các mô hình về hoạt động khai thác dầu khí. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các mô hình về hoạt động khai thác dầu khí. (Ảnh: Trần Hải)

Theo Petrovietnam, tất cả các chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực của Tập đoàn đều hoàn thành kế hoạch năm và tăng trưởng cao so năm 2021 từ 3-26%, xác lập nhiều kỷ lục mới sau 61 năm hình thành và phát triển.

Công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí đã thực hiện thành công, hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, nhờ đó bảo đảm gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu, khí, hạn chế thấp nhất hệ số suy giảm sản lượng dầu, khí của từng lô/mỏ: gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 16,97 triệu tấn, vượt 21,2% kế hoạch năm, tăng 26% so năm 2021; hoàn thành đưa vào khai thác 5 mỏ/công trình dầu khí, nhiều hơn 1 công trình so kế hoạch (sớm hơn so kế hoạch đề ra từ 15 ngày đến 2 tháng).

Sản lượng khai thác dầu hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 11 ngày, năm 2022 đạt 10,84 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021, trong đó: khai thác dầu ở trong nước hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 18 ngày, năm 2022 đạt 8,98 triệu tấn, vượt 1,94 triệu tấn (≈ vượt 28%) kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021. Đây là kỷ lục thời gian hoàn thành kế hoạch sớm nhất, là nỗ lực rất lớn của Tập đoàn để duy trì, ổn định sản lượng khai thác dầu trong bối cảnh suy giảm sản lượng của hầu hết các lô/mỏ hiện nay.

Bảo đảm cung ứng đủ năng lượng dầu khí cho phát triển đất nước ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Khai thác dầu ở nước ngoài hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 1 ngày, năm 2022 đạt 1,86 triệu tấn, vượt 157 nghìn tấn (≈ vượt 9,2%) kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021; sản lượng khai thác khí đạt 8,08 tỷ m3, tăng 8,3% so thực hiện năm 2021.

Hệ thống các đường ống và nhà máy xử lý khí được vận hành an toàn, cung cấp tối đa theo nhu cầu của các hộ tiêu thụ; sản lượng khí khô năm 2022 đạt 7,71 tỷ m3, tăng 8% so năm 2021.

Các nhà máy sản xuất điện được vận hành an toàn, bảo đảm cung cấp cho lưới điện quốc gia theo yêu cầu; Sản lượng điện năm 2022 đạt 17,64 tỷ kW giờ, tăng 10,2% so năm 2021. Một số dự án điện chậm tiến độ, gặp khó khăn tích tụ từ nhiều năm trước đã được tích cực triển khai và đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại như: Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 vận hành thương mại ngày 13/5/2022; Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã cơ bản hoàn thành, phát lên lưới điện quốc gia hơn 400 triệu kW giờ.

Tận dụng tốt cơ hội thị trường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng thị phần, gia tăng lợi nhuận. Các nhà máy đạm, lọc hóa dầu của Tập đoàn được vận hành an toàn, với công suất tối đa, lập nên kỷ lục về sản lượng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đạm, xăng dầu, cụ thể: sản xuất đạm hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 14 ngày; năm 2022 đạt 1,84 triệu tấn, vượt 244 nghìn tấn (≈ vượt 15%) kế hoạch năm, tăng 9,2% so thực hiện năm 2021 - đạt mức kỷ lục cao nhất kể từ khi Petrovietnam có sản phẩm đạm đầu tiên vào quý IV/2004 đến nay.

Sản xuất xăng dầu hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 7 ngày; năm 2022 đạt 6,96 triệu tấn, vượt 784 nghìn tấn, (≈ vượt 13%) kế hoạch năm, tăng 9,1% so thực hiện năm 2021 - đạt mức kỷ lục cao nhất kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thương mại từ ngày 1/6/2010 đến nay.

Lĩnh vực dịch vụ dầu khí năm 2022 hoạt động ổn định, an toàn, chất lượng dịch vụ, kỹ thuật được nâng cao, đã tham gia các dự án năng lượng tái tạo ở nước ngoài; sẵn sàng các nguồn lực để tham gia đầu tư và kinh doanh lĩnh vực năng lượng tái tạo ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Bảo đảm cung ứng đủ năng lượng dầu khí cho phát triển đất nước ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính với cán bộ, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (Ảnh: Trần Hải)

Về các chỉ tiêu tài chính: Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 4 đến 8 tháng, thiết lập mức kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận sau 61 năm hình thành và phát triển.

Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 4 tháng, năm 2022 đạt 931,2 nghìn tỷ đồng, vượt 67% kế hoạch năm, tăng 48% so với năm 2021 - đạt kỷ lục trong 61 năm hình thành và phát triển, vượt mức kỷ lục trước đây của năm 2012 doanh thu toàn Tập đoàn đạt 773,7 nghìn tỷ đồng, giá dầu thô năm 2012 đạt 117,6USD/thùng, khai thác dầu khí trong nước năm 2012 đạt 24,99 triệu tấn quy dầu.

Về nộp ngân sách Nhà nước, toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng. Năm 2022 đạt 170,6 nghìn tỷ đồng, vượt 2,64 lần kế hoạch năm, tăng 52% so năm 2021.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất hoàn thành kế hoạch cả năm trước 8 tháng, năm 2022 dự kiến đạt 82,2 nghìn tỷ đồng, vượt 3,3 lần kế hoạch năm, tăng 59% so với thực hiện năm 2021 - đạt kỷ lục trong 61 năm xây dựng và phát triển, vượt kỷ lục trước đây vào năm 2013 lợi nhuận trước thuế đạt 70,63 nghìn tỷ đồng, giá dầu năm 2013 đạt 112,5 USD/thùng, khai thác dầu khí trong nước năm 2013 đạt 25,0 triệu tấn quy dầu.

Phát biểu ý kiến, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng những thành tựu mà ngành dầu khí đạt được trong 61 năm qua; thân ái gửi tới lãnh đạo, cán bộ, người lao động Petrovietnam qua các thời kỳ lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất; nêu rõ, trong thành tích chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của Petrovietnam với các kết quả, thành tích đặc biệt xuất sắc và toàn diện, tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều tăng trưởng cao so năm 2021 và xác lập nhiều kỷ lục mới.

Đề cập nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng đề nghị Petrovietnam phải tập trung vào mục tiêu “năng lượng cho phát triển”, không được để thiếu năng lượng, trong đó có dầu và khí; vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả cao của các nhà máy, công trình; hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất; đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển; xây dựng và ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Dầu khí, vướng mắc ở đâu thì nỗ lực tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách; xây dựng các công cụ kiểm tra, giám sát; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong thực hiện phương án bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh kinh tế cho hoạt động dầu khí, kiên định nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng ứng phó linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh các nhóm giải pháp chủ yếu sau: quán triệt, thực hiện nghiêm và có hiệu quả các nhiệm vụ theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng liên quan ngành dầu khí, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; các nhiệm vụ cụ thể giao Tập đoàn dầu khí năm 2023 phải được cụ thể hóa vào kế hoạch của Tập đoàn cũng như của từng đơn vị để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát để xây dựng và phát triển Petrovietnam là đơn vị nòng cốt của ngành dầu khí, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế.

Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng quy mô; dịch chuyển mô hình, nâng cao năng suất lao động; tái tạo kinh doanh; tập trung cho chuyển đổi năng lượng, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo dồi dào của đất nước; phấn đấu nhanh nhất đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; phát triển kinh tế tuần hoàn; coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, từng đảng viên; tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đối với nhóm giải pháp về tài chính, thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình thực tế tiến độ giải ngân các dự án, đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch; công khai, minh bạch, sử dụng nguồn lực nhà nước và tư nhân để phát triển; coi trọng đầu tư hiệu quả; luôn đổi mới, ứng dụng chuyển đổi số vào quản trị kinh doanh; nắm bắt xu thế của tình hình để cấu trúc lại quản trị kinh doanh; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với chính sách tiền lương, khuyến khích đổi mới sáng tạo; luôn đổi mới công nghệ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đối với nhóm giải pháp về quốc phòng-an ninh-đối ngoại, Tập đoàn cần chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan trong triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn; coi trọng phát triển văn hóa doanh nghiệp.

* Tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng một số cá nhân có thành tích xuất sắc của Petrovietnam.