Ngày 19/9, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị có buổi làm việc với ông Hiroto Izumi - Cố vấn cấp cao Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và ông Ishizaka Satoshi - Phó Thứ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) Nhật Bản về các nội dung tăng cường quan hệ hợp tác giữa Bộ Xây dựng với các đối tác Nhật Bản; tham dự buổi làm việc có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio.
Tại buổi tiếp đón, cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã dành thời gian đón tiếp và làm việc với đoàn, Cố vấn cấp cao JBIC Hiroto Izumi nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.
"Quan hệ hai bên sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa thông qua các hoạt động được tổ chức trong thời gian tới nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản vào năm 2023", Cố vấn cấp cao JBIC Hiroto Izumi đánh giá.
Cũng tại buổi làm việc, ông Hiroto Izumi và lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản đã đề xuất với Bộ Xây dựng một số nội dung liên quan đến việc phát triển văn phòng, nhà ở, đường sắt và các trường đại học ở Việt Nam; việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là sử dụng vật liệu gỗ trong các công trình trung và cao tầng hướng đến giảm phát thải khí nhà kính…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chào mừng Cố vấn cấp cao JBIC Hiroto Izumi, Phó Thứ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Ishizaka Satoshi đến thăm và làm việc, đồng thời cho biết, Bộ Xây dựng có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với các đối tác của Nhật Bản nói chung và với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản nói riêng.
"Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác bền chặt này", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông tin với đại diện phía Nhật Bản. (ẢNH: Bộ Xây dựng) |
Trên cơ sở các nội dung đề xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã trao đổi, bổ sung và làm rõ một số thông tin cần thiết, đồng thời phân công lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Xây dựng làm rõ hơn nữa những nội dung cụ thể phía đại diện Nhật Bản kiến nghị.
Liên quan đến thời gian cấp phép xây dựng, Bộ trưởng cho biết, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có sửa đổi Luật Xây dựng 2020, Bộ Xây dựng đã có đề xuất rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và đã được Quốc hội đồng ý thông qua.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để thời gian cấp phép xây dựng được điều chỉnh hợp lý, vừa bảo đảm tăng cường công tác quản lý nhà nước và chất lượng công trình vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.
Đối với các quy định phòng cháy, chữa cháy, với chức năng nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, Bộ sẽ tiếp tục rà soát quy định, bảo đảm các quy chuẩn có liên quan đến phòng cháy chữa cháy có tính phù hợp, khả thi, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy.
Về nội dung sử dụng vật liệu gỗ cho công trình nhà trung, cao tầng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện nay tại Việt Nam đã có nhiều công trình sử dụng vật liệu gỗ, chủ yếu là homestay, khu nghỉ dưỡng. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng mong muốn được cùng phối hợp với các đối tác Nhật Bản nghiên cứu hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho gỗ kết cấu nhà trung và cao tầng phù hợp với điều kiện của Việt Nam…
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cảm ơn ý kiến trao đổi của Cố vấn cấp cao JBIC Hiroto Izumi, Phó Thứ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Ishizaka Satoshi và đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời cho biết, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước và xây dựng chính sách pháp luật có liên quan, Bộ Xây dựng luôn mong muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhằm tạo được môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị giao Vụ Hợp tác quốc tế làm đầu mối liên hệ với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để trao đổi, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động đối thoại giữa Bộ Xây dựng với các đối tác, doanh nghiệp Nhật Bản nhằm kịp thời giải quyết những băn khoăn vướng mắc và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên.