Đến nay, giao thông đến Phú Yên rất thuận lợi, đa dạng, gồm có tuyến đường sắt bắc-nam dài 95,25km; đường thủy nội địa dài 498km; đường hàng không với hai tuyến bay Tuy Hòa-Hà Nội, Tuy Hòa-TP Hồ Chí Minh.
Từng bước hoàn thiện hạ tầng
Ông Vũ Quang Tuấn ở quận Tây Hồ, Hà Nội cùng gia đình đi máy bay vào Phú Yên du lịch dịp cuối tuần, nhận xét: “Trước đây tôi đi công tác, nhưng Phú Yên không có chuyến, chúng tôi phải bay vào sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) rồi đi ô-tô ngược ra Phú Yên; hoặc phải đi tàu hỏa…, còn bây giờ từ Hà Nội vào Phú Yên chỉ sau 1-2 giờ bay, rất thuận tiện…”.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, mạng lưới giao thông đường bộ toàn tỉnh hiện có hơn 6.070km đường bộ, gồm 5 tuyến đường quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 428km; 11 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 361,7km. Ngoài ra, địa bàn tỉnh còn có 13 tuyến đường chuyên dùng với tổng chiều dài gần 46,3km; hơn 5.213km hệ thống đường giao thông nông thôn.
Việc đầu tư, củng cố mạng lưới hạ tầng giao thông đã giúp rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, nhất là miền ngược với miền xuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, kinh tế phát triển. Điển hình, công trình cầu Dinh Ông (thuộc Dự án tuyến đường tránh lũ cứu hộ, cứu nạn nối các huyện, thành phố: Tây Hòa, Tuy Hòa, Tuy An giai đoạn 1) hoàn thành, tạo sự kết nối giao thông giữa hai huyện Phú Hòa-Tây Hòa. Hay như trước đó tỉnh Phú Yên đầu tư hoàn thành tuyến trục dọc miền tây của tỉnh, sau đó đề nghị Bộ GTVT công nhận nâng cấp thành quốc lộ 19C nối 3 tỉnh Bình Định-Phú Yên-Đắk Lắk đã thật sự phát huy hiệu quả; hay như tuyến quốc lộ 25 vừa được nâng cấp, mở rộng, đã đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng lớn từ Phú Yên đi Gia Lai, cũng như nối liền duyên hải Nam Trung Bộ với khu vực Tây Nguyên.
Ngoài ra, Phú Yên còn có hệ thống đường sắt đi qua địa phận tỉnh dài 95,25km; khu hàng không dân dụng Cảng hàng không Tuy Hòa, phục vụ hai tuyến bay: Tuy Hòa-TP Hồ Chí Minh và Tuy Hòa-Hà Nội với công suất 550.000 lượt khách/năm. Bờ biển Phú Yên có chiều dài 189km, với một cảng vận tải tổng hợp Vũng Rô với công suất thiết kế 250.000 tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000 tấn. Địa phương đang phát triển các tuyến đường thủy nội địa ven biển, từ bờ ra các đảo, các điểm du lịch dọc bờ biển nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh du lịch biển đảo của tỉnh nhà…
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện
Theo Sở GTVT tỉnh Phú Yên, tỉnh đang xây dựng phương án GTVT trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, bao gồm: đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường giao thông nông thôn và các đầu mối giao thông (bến xe, bãi đỗ, trạm dừng nghỉ,…); trong đó ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và khu vực. Như tuyến quốc lộ 29 kết nối cảng Vũng Rô-Khu kinh tế Nam Phú Yên đi Đắk Lắk trở thành trục động lực lưu thông các tỉnh Tây Nguyên với các cảng biển Phú Yên.
Bên cạnh đó, Phú Yên cũng triển khai một số dự án như: xây dựng các nút giao thông khác mức, cầu Nguyễn Trãi, đường Trần Phú nối dài,... để phát triển không gian đô thị thành phố Tuy Hòa; triển khai đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường bộ ven biển đoạn; tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn nối huyện, thành phố: Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy Hòa và Tuy An (giai đoạn 2) và một số tuyến giao thông quan trọng khác phục vụ cho phát triển kinh tế-quốc phòng-du lịch.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cho biết, tỉnh Phú Yên vừa có chủ trương đầu tư hoàn thiện tuyến giao thông ven biển (đoạn nam cầu An Hải, huyện Tuy An tới đầu phía bắc thành phố Tuy Hòa) với tổng kinh phí 3.428 tỷ đồng.
“Tuyến đường khi hoàn thành sẽ tạo liên kết với trục giao thông ven biển nối ba tỉnh Bình Định-Phú Yên-Khánh Hòa, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương có biển, tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước. Hai bên tuyến đường sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 4.000ha để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.
Ông Lê Tấn Hổ đồng thời nêu rõ, thời gian qua tỉnh Phú Yên đã đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp nhiều tuyến giao thông quan trọng; trong đó, có nhiều dự án lớn, đột phá đã phát huy hiệu quả tích cực: dự án Hầm đường bộ Đèo Cả nối hai tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa, hầm Cù Mông nối Phú Yên-Bình Định; tuyến quốc lộ 19C, dự án mở rộng tuyến quốc lộ 25, dự án xây dựng cầu Dinh Ông, dự án nâng cấp đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên-Gia Lai…
Tỉnh đầu tư nâng cấp cảng Vũng Rô bảo đảm tiếp nhận tàu đến 10.000 tấn, tăng năng lực khai thác hàng qua cảng lên 2-2,5 triệu tấn/năm và xây dựng cảng tổng hợp nước sâu Bãi Gốc; tiếp tục nâng cấp và khai thác hiệu quả các cảng cá; nghiên cứu đầu tư cảng Vũng Lắm (sông Cầu) phục vụ công nghiệp và du lịch; đầu tư các cảng, bến thủy nội địa; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics,...; triển khai xây dựng và nâng cấp kỹ thuật sân bay cảng hàng không Tuy Hòa đạt công suất 5 triệu hành khách/năm, đủ tiêu chuẩn phục vụ quốc tế; kiến nghị sớm triển khai dự án đường cao tốc Phú Yên-Đắk Lắk.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, Sở đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các công trình xây dựng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Để nhanh chóng thực hiện sớm các dự án lớn theo quy hoạch, Sở xác định các giải pháp đó là thường xuyên cập nhật, rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện phương án phát triển GTVT trên địa bàn tỉnh, bảo đảm khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời tổ chức thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn đầu tư, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm và các đầu mối giao thông; tạo sự kết nối thông suốt giữa các khu vực; đẩy mạnh việc thu hút các nguồn lực bên ngoài bằng nhiều hình thức, cũng như nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, nhằm sớm hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông; tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển giao thông nông thôn, huy động nguồn lực xã hội và đóng góp của nhân dân để đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn; góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các công trình, dự án; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình. Trước mắt là công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc qua Phú Yên…