Rà soát tránh phát sinh xung đột pháp luật
Sáng 20/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Phát biểu tại phiên thảo luận của Tổ 13, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) bày tỏ nhất trí cao và ủng hộ việc luật có hiệu lực sớm.
Theo đại biểu, việc Chính phủ xây dựng dự án luật và trình Quốc hội xem xét theo trình tự rút gọn là đúng thẩm quyền, trình tự luật định. Hồ sơ dự án luật cơ bản đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH) |
Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, theo quy định của dự thảo luật, một số điều khoản chuyển tiếp của Luật Đất đai tiếp tục có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 (khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260), trong khi các quy định chính sách của Luật Đất đai và toàn bộ nội dung còn lại của 3 luật đều có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Do đó, đại biểu Nghĩa đề nghị rà soát tránh phát sinh xung đột pháp luật do các nội dung chuyển tiếp của Luật Đất đai có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung chuyển tiếp của Luật Nhà ở.
Cụ thể, khoản 10 Điều 255 của Luật Đất đai về chuyển tiếp đối với các dự án đầu tư, bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng nhà ở sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2025, trong khi Luật Nhà ở có hiệu lực vào ngày 1/8/2024 có thể dẫn đến trường hợp 1 dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải thực hiện chuyển tiếp 2 lần vào 2 thời điểm có hiệu lực thi hành khác nhau của 2 luật.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13. (Ảnh: DUY LINH) |
Về tính khả thi, đại biểu cho biết, có nhiều thẩm quyền giao cho chính quyền địa phương như nêu trong Báo cáo thẩm tra: 20 nội dung đối với Luật Đất đai năm 2024, 10 nội dung đối với Luật Nhà ở năm 2023.
Như vậy, theo đại biểu, nếu luật có hiệu lực sớm hơn 5 tháng sẽ gây khó khăn cho chính quyền địa phương, hộ gia đình, cá nhân trong việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện.
Mặc dù Chính phủ đã có cam kết trong Tờ trình 322, tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội ở địa phương đánh giá thêm về vấn đề này, đồng thời kiến nghị đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết và công tác tuyên truyền, phổ biến để bảo đảm hiệu quả triển khai khi luật đi vào cuộc sống.
Chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả triển khai luật
Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH) |
Để bảo đảm hiệu quả triển khai khi các luật có hiệu lực sớm hơn, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá tác động toàn diện khi đẩy sớm hiệu lực thi hành của 4 luật.
Trong đó, cần tập trung làm rõ những tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, doanh nghiệp, người dân để có giải pháp xử lý thích hợp, bảo đảm lợi ích tối ưu cho nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra, cần đánh giá rõ và sâu hơn các điều kiện bảo đảm thực hiện khi các luật có hiệu lực thi hành.
Phát biểu thảo luận tại Tổ 8, đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) cũng bày tỏ thống nhất với việc sửa đổi một số điều của 4 luật trên theo tờ trình của Chính phủ, khẳng định đây là quyết tâm rất cao của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để sớm đưa luật vào cuộc sống, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2024.
Đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua với hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, bây giờ Chính phủ trình Quốc hội cho phép luật có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, bắt đầu từ 1/8/2024. Đại biểu Toàn cho rằng, điều này đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống.
Đại biểu đề nghị cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương có đủ thời gian chuẩn bị, kịp thời ban hành các văn bản triển khai theo thẩm quyền trước ngày 1/8.
“Chính phủ cần tích cực, khẩn trương rà soát một cách đồng bộ để bảo đảm ngày 1/8 khi các luật và điều luật có hiệu lực thì hệ thống văn bản hướng dẫn đã được ban hành và đồng thời có hiệu lực để triển khai, không để xảy ra độ trễ và điểm nghẽn”, đại biểu nêu rõ.
Theo đại biểu Toàn, để thực hiện thống nhất và đồng bộ về hệ thống pháp luật thì hiệu lực thi hành của các luật liên quan cũng cần điều chỉnh, tránh sự chồng chéo và độ trễ trong các văn bản pháp luật có liên quan.
Riêng về Luật Đất đai, đại biểu đoàn Bình Định cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành quy định chi tiết về phương pháp tính giá đất mới, đặc biệt cần phải tính toán kỹ các nội dung liên quan đến hạ tầng công nghiệp, phục vụ phát triển để vừa khai thác được tiềm năng, lợi thế, giá trị từ đất, vừa tạo lợi thế cạnh tranh, giải quyết việc làm…