Đẩy mạnh chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại

NDO - Chiều 12/11, phiên thảo luận chuyên đề “Chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại” trong khuôn khổ hội nghị Nâng cao chất lượng Báo Đảng toàn quốc đã chính thức diễn ra.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi tại hội thảo.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi tại hội thảo.

Trong thời gian qua, khái niệm chuyển đổi số báo chí đã được nhắc tới rất nhiều. Mặc dù vậy, không ít cơ quan báo chí ở Việt Nam chưa thực sự hiểu rõ phải chuyển đổi thế nào, bắt nguồn từ đâu. Một loạt các câu hỏi đã được đặt ra cho các tòa soạn. Làm thế nào để chuyển đổi nhanh tòa soạn theo mô hình báo chí – công nghệ, bắt kịp xu hướng hiện đại, báo chí dữ liệu, báo chí đa nền tảng… trong điều kiện nguồn lực giới hạn? Làm sao để lan tỏa tư duy chuyển đổi số đến mọi ngóc ngách, hoạt động trong tòa soạn, tới những cán bộ, nhân viên không còn trẻ?

Phiên thảo luận chuyên đề “Chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại” trong khuôn khổ hội nghị Nâng cao chất lượng Báo Đảng toàn quốc do Báo Nhân Dân phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 12/11 đã đưa ra nhiều gợi mở cho những bài toán “hóc búa” kể trên. Ngoài ra, nhiều công nghệ làm báo hiện đại, giải pháp quản trị tòa soạn thông minh cũng được các diễn giả uy tín giới thiệu tới các đại biểu tham dự.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại ảnh 1

Ông Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus đề dẫn hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà báo, diễn giả: đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Thị Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin Tư liệu và Đồ họa (TTXVN); Nguyễn Công Thành, Tổng Biên tập báo Hà Tĩnh; Mai Đức Thông, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, Bùi Công Duyến, Giám đốc Sản phẩm Tòa soạn hội tụ ONECMS; Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Công nghệ thông tin Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

Báo chí dữ liệu, đồ họa tương tác – xu hướng của tương lai

Mở đầu phiên thảo luận, nhà báo Phạm Thị Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin Tư liệu và Đồ họa (TTXVN) đã có phần trình bày về xu hướng báo chí dữ liệu cũng như đồ họa tương tác.

Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin Tư liệu và Đồ Họa, khác với báo chí truyền thống, báo chí dữ liệu coi trọng dữ liệu hơn tin tức, bởi vậy cũng sử dụng nhiều con số, dữ liệu để tạo ra tác phẩm bao quát.

Hầu hết thông tin đều được hình ảnh hóa, dữ liệu hóa thông qua hệ thống biểu đồ, infographic…; qua đó giúp độc giả tiếp nhận nhiều thông tin hơn trong khoảng thời gian ngắn. Đây cũng được coi là loại hình báo chí sẽ giữ vai trò chủ lưu, không chỉ của tương lai xa.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại ảnh 2
Giám đốc Trung tâm Tư liệu và Đồ hoạ TTXVN Phạm Thị Phương Thảo trình bày tham luận

Mặc dù vậy, thực tế, việc thực hiện các sản phẩm báo chí dữ liệu/đồ họa tương tác cũng còn gặp nhiều khó khăn như việc tìm dữ liệu, công cụ thực hiện, vấn đề con người…

Giám đốc Trung tâm Thông tin tư liệu và đồ họa (TTXVN) cũng gợi ý một số công cụ hữu ích thực hiện đồ họa tương tác cho cả lực lượng chuyên nghiệp lẫn các biên tập viên (Flourish, Infogram); đồng thời giới thiệu một số sản phẩm nổi bật mà đơn vị này đã thực hiện trong nhiều lĩnh vực như Chính trị - Ngoại giao, Kinh tế - Xã hội.

“Những công cụ để biên tập viên có thể làm được rất nhiều và không khó sử dụng. Chúng ta đi từ dễ tới khó và chắc chắn các biên tập viên sẽ đều làm được”, nhà báo Phạm Thị Phương Thảo nhấn mạnh.

Những thách thức trong chuyển đổi số tại báo Đảng địa phương

Trên góc độ địa phương, ông Nguyễn Công Thành, Tổng Biên tập báo Hà Tĩnh cũng đưa ra quan điểm về quá trình chuyển đổi số báo chí.

Thừa nhận Chuyển đổi số báo chí là quá trình tất yếu và “không thể đảo ngược”, Tổng Biên tập báo Hà Tĩnh cũng thẳng thắn thừa nhận: “Sự vào cuộc và kết quả đạt được trong Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, nhất là hệ thống báo Đảng địa phương còn rời rạc, chưa rõ nét và thiếu định hướng, giải pháp chiến lược”. Quá trình này chủ yếu đang “nặng về ứng dụng công nghệ thông tin hơn là chuyển đổi số đúng nghĩa”.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại ảnh 3

Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh trình bày tham luận tại hội thảo.

Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh cũng điểm qua một số ứng dụng công nghệ thông tin – chuyển đổi số tại báo Hà Tĩnh. Điển hình, tờ báo đã đưa vào sử dụng hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc online, hệ thống lịch công tác, hệ thống quản trị nội dung hiện đại.

Bên cạnh đó, quy trình xuất bản của báo cũng được thực hiện theo mô hình Tòa soạn hội tụ nhằm tối ưu hóa nhân lực cũng như trí tuệ tập thể; tăng hiệu quả xử lý thông tin.

“Các ứng dụng trên đã giúp báo Hà Tĩnh bắt nhịp khá tốt với xu hướng báo chí hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng”, ông Nguyễn Công Thành cho hay.

Người đứng đầu báo Hà Tĩnh cũng thừa nhận, mặc dù được đánh giá là một trong những cơ quan báo chí địa phương quan tâm và tạo được dấu ấn nhất định trong chuyển đổi số, nhưng những kết quả đạt được tại tờ báo này mới chỉ là khởi đầu. Đây cũng là thực trạng diễn ra ở đa số các cơ quan báo chí, nhất là báo Đảng.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại ảnh 4

Theo Tổng Biên tập báo Hà Tĩnh, thực tế quá trình chuyển đổi số báo chí tại địa phương còn rất nhiều lực cản.

Báo Hà Tĩnh đang đối diện với 3 thách thức mấu chốt trong chuyển đổi số, bao gồm: con người, kinh phí đầu tư hạn hẹp, hạ tầng công nghệ thiếu đồng bộ; chưa định hình được chiến lược, hướng đi, đích đến trong chuyển đổi số. Những năm trước, khi tiến hành sát nhập tinh gọn bộ máy, áp dụng mô hình Tòa soạn hội tụ, phát triển mạng xã hội, Báo Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn khi xuất hiện sự xung đột về nhận thức. Ngay cả trong tập thể lãnh đạo cũng có những ý kiến chưa đồng thuận. Chế độ thù lao, nhuận bút không tăng kịp theo khối lượng công việc ngày càng nhiều do nguồn kinh phí được cấp không thay đổi.

Để giải quyết bài toán khó này, báo Hà Tĩnh đã phải tìm cách thống nhất quan điểm, ý chí, xác định rõ: Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu không thể thay đổi, giúp tờ báo kết nối với ngày càng đông đảo bạn đọc, đồng thời giúp chuyển hóa, thu hút và khai thác nguồn thu từ truyền thông, quảng cáo.

Khó khăn tiếp theo chính là nguồn nhân lực. Báo Hà Tĩnh nói riêng và nhiều tòa soạn báo Đảng địa phương hiện còn thiếu những vị trí nhân sự được đào tạo chuyên sâu về công nghệ cũng như đội ngũ sản xuất các sản phẩm đa phương tiện, đa nền tảng cũng chỉ là tay ngang. Việc thiếu cơ chế, không có định biên càng khiến cho câu đố về nhân sự trở nên nan giải hơn.

Thứ hai, kinh phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi số báo chí còn hạn hẹp, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Hạ tầng công nghệ kỹ thuật của nhiều cơ quan báo Đảng còn manh mún, chắp vá chưa đáp ứng được yêu cầu, quy trình làm báo hiện đại.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại ảnh 5

Quang cảnh buổi hội thảo.

Thứ ba, mục tiêu, chiến lược và hướng đi Chuyển đổi số đang là một vấn đề khá “mông lung” với các cơ quan báo Đảng địa phương. Chuyển đổi số nên bắt đầu từ con người, công nghệ hay nội dung? Làm thế nào để giải bài toán kinh phí, nhân lực khi các cơ quan báo Đảng đang thực hiện lộ trình tự chủ, tinh giản biên chế? Đó là những câu hỏi lớn mà các cơ quan báo Đảng đang loay hoay chưa tìm được lời đáp.

Những gợi mở từ nền tảng công nghệ mới

Cũng trong khuôn khổ phiên thảo luận, đại diện các công ty công nghệ cũng có bài tham luận, qua đó gợi mở cho các tòa soạn báo Đảng hướng đi dựa trên nền tảng công nghệ mới.

Ông Bùi Công Duyến, Giám đốc sản phẩm Tòa soạn hội tụ ONECMS, Công ty Cổ phần Công nghệ NEKO cho hay, hiện nay, trên thế giới, mô hình tòa soạn hội tụ, digital - first đang rất phổ biến. Theo một khảo sát của WAN-IFRA, hiện nay có tới 44% tòa soạn trên thế giới coi chuyển đổi số là xu hướng hàng đầu. Nhiều cơ quan báo chí lớn đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo sâu rộng vào hệ thống để hỗ trợ tòa soạn và độc giả.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại ảnh 6

Ông Bùi Công Duyến trình bày về ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số báo chí.

Nhìn vào thực tế tại Việt Nam, đặc biệt các báo Đảng địa phương, ông Duyến nhận định: Các toà soạn hiện vẫn chưa ưu tiên nguồn lực (hạ tầng, công nghệ, nhân lực) tương xứng cho điện tử để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số và xu hướng phát triển báo chí hiện đại.

“Một số cơ quan chưa có mô hình tòa soạn hội tụ đúng nghĩa mà vẫn sử dụng riêng rẽ CMS báo in, CMS báo điện tử, quản lý văn bản, quảng cáo… gây khó khăn cho công tác quản lý tòa soạn và sản xuất nội dung”, Giám đốc sản phẩm ONECMS nhấn mạnh.

Diễn giả cho rằng: Các tòa soạn báo Đảng địa phương nên xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, theo đó tất cả các công việc sẽ được quản lý trên một phần mềm duy nhất.

Đưa ra một số thí dụ về mô hình chuyển đổi số thành công của các tờ báo lớn trên thế giới, điển hình như New York Times, South China Morning Post..., ông Nguyễn Tấn Huy, Trưởng ban Công nghệ thông tin, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone khẳng định: Lực cản lớn nhất với quá trình chuyển đổi số chính là tư duy.

Tại hội thảo, diễn giả tới từ MobiFone đã giới thiệu các bộ sản phẩm MobiFone Smart Office cho phép xử lý công việc mọi lúc, mọi nơi; sử dụng chữ ký số, dữ liệu được mã hóa và wateramark khi tải về.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại ảnh 7
Trưởng ban Công nghệ thông tin MobiFone Nguyễn Tuấn Huy.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng giới thiệu thêm nhiều giải pháp khác như E-Learning, Meeting, Chuyển văn bản thành giọng nói. Đặc biệt, ông Huy cũng giới thiệu giải pháp quản lý nội dung ECM cho các tòa soạn báo, cho phép thu nhận, quản lý, lưu trữ và bảo quản nội dung/thông tin/dữ liệu; phân phối và cung cấp các nội dung đến nhiều đối tượng khác nhau; hợp lý hóa vòng đời nội dung với khả năng quản lý tài liệu và tự động hóa quy trình công việc.

"Chúng tôi cam kết sẽ 'may đo' hệ thống theo nhu cầu của các tòa soạn", ông Huy chia sẻ.

Cần thay đổi nhận thức và cả cách làm

Tại phiên thảo luận bàn tròn, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ niềm vui mừng khi nhiều tòa soạn báo đã chủ động thực hiện chuyển đổi số và chia sẻ lại kinh nghiệm của mình.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Trước khi nói về nguồn lực và chính sách, cần phải thay đổi nhận thức và cách làm. Hiện nay có rất nhiều cách để các cơ quan báo chí rút ngắn quá trình chuyển đổi số và tiết kiệm chi phí. Thứ trưởng gợi ý các cơ quan báo chí cần ứng dụng công nghệ để lan tỏa tối đa nội dung trên môi trường Internet.

Ông Mai Đức Thông, Tổng Biên tập báo Tuyên Quang cho hay: Báo Tuyên Quang bắt đầu được thay đổi từ năm 2020; trong đó quá trình chuyển đổi số trước hết tập trung vào báo điện tử.

"Hiện tại, chúng tôi đã tiến hành thay đổi giao diện, thay đổi tính năng CMS, làm phát thanh và truyền hình trực tiếp. Tính từ năm 2020 đến nay, Báo Tuyên Quang đã thực hiện hơn 1.400 video, trên 200 bản tin phát thanh, trên 100 chương trình truyền hình trực tiếp. Có những chương trình truyền hình trực tiếp đạt tới trên 2 triệu người xem.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại ảnh 8

Các đại biểu tham gia trao đổi tại hội thảo.

"Quan trọng vẫn là thay đổi nhận thức, tư duy. Khó khăn đầu tiên của chúng tôi cũng là vấn đề nhân lực. Báo Tuyên Quang đã làm đa phương tiện bắt đầu từ con số 0. Chúng tôi đã tiến hành tập huấn liên tục, tới nay đã có đội ngũ cơ bản đáp ứng được nhu cầu", ông Mai Đức Thông chia sẻ.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ thêm những kinh nghiệm về việc tiết giảm chi phí cho tòa soạn trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.