Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Thừa Thiên Huế

NDO - Thông qua chuyển đổi số, ngành Ngân hàng đã thúc đẩy tài chính toàn diện bằng việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt là đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ tại các gian hàng trưng bày của ngân hàng.
Các đại biểu trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ tại các gian hàng trưng bày của ngân hàng.

Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia ngày 10/10 và Tháng tiêu dùng số 2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức Hội nghị chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023.

Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng 150 đại biểu là lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại trên địa bàn; các trung tâm hành chính công, trường học, bệnh viện, công ty viễn thông, đơn vị cung ứng dịch vụ công, các doanh nghiệp, khách hàng đối tác của các Ngân hàng thương mại…

Chuyển đổi số toàn diện trong các Ngân hàng

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Thừa Thiên Huế ảnh 1

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đang tác động tích cực tới tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, đời sống.

Ông Phạm Bá Nam, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, bám sát định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh cùng sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành liên quan cùng sự chủ động tích cực của toàn ngành, với tinh thần lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ làm thước đo hiệu quả, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công cuộc chuyển đổi số trên các mặt: thể chế, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn; công tác truyền thông, giáo dục tài chính được đẩy mạnh.

“Hội nghị chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm nay là hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10 và Tháng tiêu dùng số 2023 với mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ trong giao dịch ngân hàng, góp phần lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài ngành Ngân hàng về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động Ngân hàng”, ông Nam nhấn mạnh.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Thừa Thiên Huế ảnh 2

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phạm Bá Nam phát biểu tại hội nghị.

Ông Nam cho biết thêm, những năm qua, ngành Ngân hàng đang thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các mặt với mục tiêu hướng đến người dân, doanh nghiệp. Thông qua chuyển đổi số, ngành Ngân hàng đã thúc đẩy tài chính toàn diện bằng việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt là đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

100% các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% các chế độ, báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ...

Báo cáo đánh giá kết quả công tác chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2023, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Thừa Thiên Huế cho biết, một số chỉ tiêu về chuyển đổi số của ngành đã đạt kế hoạch đề ra, như: 100% các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% các chế độ, báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước (không thuộc phạm vi bí mật nhà nước) được ký số và phát hành thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hoàn thành mục tiêu đề ra đến 2025; 62% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, một trong những hoạt động tiêu biểu, mang dấu ấn quan trọng trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt khi hoạt động này đã và đang trở thành xu hướng tất yếu. Ví như hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công là minh chứng khi với sự đồng hành của các ngân hàng, các giải pháp thanh toán dịch vụ công đang ngày một thông suốt, an toàn.

Tính đến cuối tháng 6, tổng thu thuế qua hệ thống các Ngân hàng thương mại tăng 21%; dịch vụ thu tiền điện tăng 45%; nước tăng 38%; dịch vụ thu viện phí tăng hơn 46%; chi trả an sinh xã hội, thông qua hệ thống thẻ ATM cho người hưởng cũng tăng 65% so với cùng kỳ năm 2022.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Thừa Thiên Huế ảnh 3

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng đại diện các ngân hàng tham quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ số.

Tại hội nghị, một số Ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng đã báo cáo tham luận nêu bật các giải pháp thanh toán số, ứng dụng công nghệ số… Nổi bật là các tham luận như: Giải pháp thanh toán dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Thừa Thiên Huế; Đẩy mạnh chuyển đổi số đối với vùng huyện, vùng nông thôn; cá nhân hoá trải nghiệm khách hàng trong giao dịch mở tài khoản thanh toán chuyển tiền; ứng dụng công nghệ số một chạm - mọi trải nghiệm cho khách hàng đến giao dịch...

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phạm Bá Nam cho rằng, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Chuyển đổi số được xem như là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội XIII. Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia xác định Ngân hàng là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Thừa Thiên Huế ảnh 4

Các ngân hàng trình bày tham luận với các nội dung nổi bật về chuyển đổi số tại đơn vị.

Ông Nam cho biết thêm, Kế hoạch 489/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về chuyển đổi số năm 2023 cũng đã xác định vai trò của ngành Ngân hàng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu ngành Ngân hàng phối hợp các sở, ban, ngành đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh các chỉ tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, tăng số lượng người dân có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác, góp phần xây dựng xã hội số. Điều này thể hiện sự tin tưởng và cũng là trọng trách lớn lao mà Đảng, Chính phủ, lãnh đạo tỉnh đã giao cho ngành Ngân hàng nói chung và ngành Ngân hàng tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.

Thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã ban hành Kế hoạch 385/KH-TTT ngày 14/6/2021, đề ra 12 mục tiêu đến năm 2025, 8 mục tiêu đến năm 2030 cho ngành Ngân hàng cùng 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Theo đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn sẽ thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các mặt; hướng đến khách hàng làm mục tiêu, động lực của chuyển đổi số, trong đó người dân, doanh nghiệp làm vị trí trung tâm.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn.

Cùng với quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN, có hiệu lực từ 1/9/2023 tiếp tục khẳng định những nỗ lực chung của toàn Ngành trong nhiệm vụ hỗ trợ, đồng hành cùng người dân và cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua chuyển đổi số​.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Thừa Thiên Huế ảnh 5

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đang tác động tích cực tới tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, đời sống. Để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn, ngành Ngân hàng cần phải vạch rõ chiến lược và xác định được vai trò vai trò tiên phong trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, làm lực đẩy cho các hoạt động thanh toán số, kinh tế số cũng như xã hội số.

Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đang tác động tích cực tới tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, đời sống.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ

Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tăng cường các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số như: nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán cũng như dịch vụ thanh toán hiện đại; đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là người dân sinh sống ở các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa để họ tiếp cận với các giải pháp công nghệ, các dịch vụ của ngân hàng; phối hợp các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm an ninh, an toàn khi thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, phòng, chống tội phạm, tạo niềm tin đối với người dân khi sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến qua ngân hàng.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Thừa Thiên Huế ảnh 6

Trong khuôn khổ hội nghị, Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển lãm giới thiệu các giải pháp ngân hàng số của 10 ngân hàng trên địa bàn tham gia.

Đối với Sở Thông tin và Truyền thông - cơ quan đầu mối, tiếp tục phối hợp, nghiên cứu đề xuất những cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ công và an sinh xã hội; phối hợp ngành Ngân hàng triển khai các loại thẻ điện tử trong thanh toán không dùng tiền mặt: thẻ du lịch, thẻ dân cư… nhằm thực hiện hiệu quả dự án dịch vụ đô thị thông minh tại Thừa Thiên Huế.