Đầu tư trạm dừng nghỉ hiện đại, đồng bộ trên các tuyến đường cao tốc

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, trên các tuyến đường bộ cao tốc, trạm dừng nghỉ đầy đủ tiện nghi là hạng mục thiết yếu giúp phương tiện lưu thông an toàn, thuận lợi, thu hút người tham gia giao thông lựa chọn tuyến đường. Qua đó, phát huy hiệu quả khai thác công trình, góp phần thúc đẩy hoàn vốn dự án, tối ưu bài toán đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) các dự án giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Phối cảnh trạm dừng nghỉ Mộc An trên tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.
Phối cảnh trạm dừng nghỉ Mộc An trên tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.

Trên các tuyến đường cao tốc, trạm dừng nghỉ được quy hoạch đồng bộ, hiện đại sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông, trở thành điểm nhấn về cảnh quan, văn hóa vùng miền, phát triển kinh tế-xã hội khu vực.

“Sân chơi” mới

Khi nghiên cứu đầu tư một dự án PPP giao thông, ngoài việc xác định lưu lượng phương tiện, doanh thu thu phí hoàn vốn, thời điểm hoàn thành đưa vào sử dụng, nhà đầu tư cần có tầm nhìn xa hơn, tính toán hiệu quả lâu dài của công trình thông qua lưu lượng, doanh thu kỳ vọng trong tương lai. Tuyến đường hình thành sẽ thu hút các nhóm nhà đầu tư khác phát triển bất động sản, khu công nghiệp, trạm dừng nghỉ, thương mại dịch vụ,... góp phần tăng năng lực khai thác toàn tuyến.

Bên cạnh việc bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, tính mỹ quan công trình, kèm theo tiện ích công cộng cũng là yếu tố cần chú trọng để tối ưu bài toán đầu tư, thúc đẩy hoàn vốn dự án. Đơn cử, tại dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, từ cuối năm 2020, khi đang ở giai đoạn nghiên cứu, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng và nhà đầu tư nghiên cứu đã tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cho dự án, hướng tới bố trí cảnh quan, cây xanh thân thiện môi trường, trạm dừng nghỉ có kiến trúc đẹp và tiện nghi, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của địa phương.

Thông qua cuộc thi, đã chọn được những tác phẩm xuất sắc, có điểm nhấn cảnh quan mang ý nghĩa đặc trưng như núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), tượng đài Chiến thắng Đông Khê (Cao Bằng), thác Bản Giốc; hình tượng chiếc nỏ, cây đàn tính,... Tỉnh Cao Bằng và nhà đầu tư đã chọn được phương án trạm dừng nghỉ Mộc An trên tuyến với đầy đủ dịch vụ tiện ích, thiết kế theo mô hình nón lá của đồng bào dân tộc tỉnh Cao Bằng, sử dụng vật liệu địa phương (tre, nứa, gạch trần) gần gũi và thân thiện với môi trường.

Đầu tư trạm dừng nghỉ được các chuyên gia đánh giá là “sân chơi” mới trong hệ sinh thái đầu tư hạ tầng giao thông mà nhiều doanh nghiệp quan tâm tham gia, nhưng có nhiều lợi thế dành cho các doanh nghiệp có tầm nhìn và có thế mạnh từ các hoạt động kinh doanh sẵn có. Điển hình như trường hợp của Liên danh Futabuslines-Thành Hiệp Phát vừa trúng thầu 3/4 dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ trên các đoạn tuyến cao tốc bắc-nam phía đông (giai đoạn I). Liên danh này tham gia đấu thầu cạnh tranh, đáp ứng các điều kiện trúng thầu ba trạm dừng nghỉ liền kề nhau trên đoạn tuyến cao tốc bắc-nam phía đông dài khoảng 300 km, có lưu lượng xe rất tốt, giúp nhà đầu tư tối ưu, tiết giảm chi phí khi đồng bộ khâu thiết kế và hệ thống quản lý.

PGS, TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nhận định: “Cuộc đua giành quyền đầu tư khai thác các trạm dừng nghỉ tại dự án đường cao tốc bắc-nam vẫn đang hứa hẹn nhiều bất ngờ thú vị phía trước, nhưng cũng chứa đầy những cạm bẫy nếu các nhà đầu tư không tỉnh táo, hoạch định và xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hơi, bài bản cho lĩnh vực đặc thù này”.

Đầu tư trạm dừng nghỉ hiện đại, đồng bộ trên các tuyến đường cao tốc ảnh 2

Phối cảnh trạm dừng nghỉ Mộc An trên tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.

Bốn năm và ba nhiệm kỳ

Xã hội hóa đầu tư trạm dừng nghỉ là cách làm đúng hướng, nhà đầu tư được lựa chọn đều bảo đảm năng lực, kinh nghiệm để mang lại hiệu quả cao cho xã hội. Các chuyên gia thống nhất kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường tổ chức đấu thầu các cụm trạm dừng nghỉ đồng bộ trên toàn tuyến cao tốc và đầu tư hệ thống giao thông thông minh để bảo đảm an toàn, nâng cao hiệu quả khai thác các công trình phục vụ xã hội. Đây còn là giải pháp tăng lưu lượng phương tiện, góp phần thúc đẩy hoàn vốn dự án, tối ưu bài toán đầu tư các dự án giao thông theo phương thức PPP.

Theo ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông vận tải, thời gian gần đây, các Ban Quản lý dự án đã triển khai xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ tạm, cơ bản giải quyết những bức xúc của người dân do thiếu trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác, đáp ứng nhu cầu trước mắt của người dân lưu thông trên tuyến. Đến nay, 5/8 trạm dừng nghỉ thuộc bốn dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam phía đông gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, Cam Lâm-Vĩnh Hảo đã lựa chọn được nhà đầu tư. Dự kiến, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành, tiến tới đàm phán, ký hợp đồng sẽ hoàn tất trong nửa đầu tháng 7 này.

Song song với việc đàm phán hợp đồng, các bên liên quan sẽ phối hợp với nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục liên quan bắt tay vào thực hiện công trình trạm dừng nghỉ theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng kiến nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai giải phóng mặt bằng, bàn giao công địa bảo đảm các hạng mục thiết yếu của trạm dừng nghỉ sớm có mặt bằng sạch thi công xây dựng. Đối với các trạm dừng nghỉ còn lại trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông, Cục Đường cao tốc Việt Nam đang phối hợp các bên liên quan hoàn thiện các thủ tục, phát hành hồ sơ mời thầu, bảo đảm khi tuyến cao tốc hoàn thành, các trạm dừng nghỉ sẽ được đưa vào khai thác.

Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đánh giá, tính đến nay, tổng chiều dài các tuyến đường bộ cao tốc trên cả nước đã vượt 2.000km. Trong bốn năm qua, kết quả đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc bằng cả ba nhiệm kỳ trước cộng lại, thể hiện quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị “vào cuộc” phát triển hạ tầng giao thông. Để phát huy hiệu quả đầu tư các tuyến cao tốc, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo và yêu cầu các chủ đầu tư phải bảo đảm khi dự án đường cao tốc “về đích”, đồng thời phải hoàn thành đồng bộ tất cả các hạng mục liên quan như trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống thu phí không dừng (ETC),...

“Riêng công trình trạm dừng nghỉ, các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án phải rà soát xem mặt bằng hiện nay đã xử lý đến đâu, còn vướng mắc gì. Tuyệt đối không để tình trạng người dân đi trên đường phải mong ngóng từng ngày. Hiện nay, đã lựa chọn được nhà đầu tư, vốn đã có, các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với địa phương giải phóng mặt bằng, triển khai đồng bộ các hạng mục, đưa công trình vào khai thác sớm phục vụ nhu cầu của người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy chỉ đạo.