Đầu tư phải gắn với nâng cao chất lượng việc làm

Lợi thế về lao động giá rẻ là một yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế trong những giai đoạn đầu mở cửa kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, nhất là khu vực FDI nếu không gắn với tạo việc làm và nâng cao chất lượng việc làm, cùng với việc bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động thì giá trị FDI thu hút được sẽ có giá trị thấp...
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn lựa chọn Việt Nam với lợi thế lao động giá rẻ, cùng một số yếu tố khác liên quan đến ổn định chính trị, chính sách thuế ưu đãi... Tuy nhiên, Việt Nam không còn ở giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" và bước vào giai đoạn "già hóa" do tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động ngày một giảm.

Theo loại hình doanh nghiệp, khu vực FDI đạt tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động cao nhất, tiếp theo là khu vực kinh tế tư nhân, trong khi khối doanh nghiệp nhà nước có sự sụt giảm lao động do quá trình cổ phần hóa. Theo thống kê, doanh nghiệp FDI hiện đang sử dụng khoảng 4,5 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp.

Một nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương và Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID) cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách vượt qua các quy định lao động để giảm chi phí lao động. Trên thực tế, các doanh nghiệp đầu tư có vốn trong nước hoặc vốn FDI chưa thật sự chú trọng tới việc thu nhận và đào tạo nghề cho người địa phương vào làm việc tại doanh nghiệp; các doanh nghiệp cũng chưa đầu tư vào giáo dục để phát triển giá trị lao động tại Việt Nam.

Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, bà Ingrid Christensen chỉ ra rằng: "Ở Việt Nam, các công việc đòi hỏi kỹ năng cao chiếm khoảng 12% tổng số việc làm. Việc Việt Nam hướng đến trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 cũng đồng nghĩa với việc số lượng việc làm yêu cầu kỹ năng cao cũng nhiều gấp đôi"...

Điều này đòi hỏi cần phải có các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để tăng kỹ năng và năng suất lao động của người lao động Việt Nam. Có chính sách ưu đãi trong tổng thể chiến lược để có sự gắn kết doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp, sự hợp tác đa phương giữa doanh nghiệp và trường nghề, trung tâm giới thiệu việc làm... trong hoạt động đào tạo và đào tạo lại kỹ năng cho người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, cùng với việc tập trung đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ở Việt Nam cần xác định việc thực hiện trách nhiệm xã hội cũng chính là đầu tư cho chiến lược kinh doanh dài hạn, là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững.

Một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là bảo đảm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với người lao động.

Trước hết, đó là việc doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật lao động, như: bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế theo các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các cam kết quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các quy định của pháp luật trong nước về các điều kiện lao động như chế độ tiền lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động...; thực hiện đóng đúng, đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; đồng thời, là các hoạt động nâng cao chất lượng việc làm, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động để đáp ứng chính nhu cầu của doanh nghiệp.

Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh cho rằng, khi xây dựng và thực hiện tốt chế độ phúc lợi, doanh nghiệp sẽ có điều kiện để thu hút và "giữ chân" được người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, tạo động lực cho người lao động nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Có thể coi đây là một trong những giải pháp rất quan trọng trong việc ổn định và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.