Tăng trưởng về lao động, việc làm và thu nhập mang tính tích cực, bền vững hơn với mức tăng tập trung chủ yếu ở khu vực lao động có việc làm chính thức. Đáng lưu ý, thu nhập bình quân của lao động việc làm ở cả 21 ngành đều tăng trưởng, thể hiện sự phục hồi đồng đều trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Dẫn đầu về tăng thu nhập cho người lao động là các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như: Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh… Đời sống của người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động đang trở thành thách thức lớn, có thể trở thành nguy cơ làm chậm quá trình phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. Tại một số khu đô thị, khu công nghiệp hiện nay rất khó để tuyển dụng đủ lao động đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thiếu lao động diễn ra chủ yếu ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục... Nguyên nhân là do sau dịch Covid-19, nhiều lao động chưa có ý định quay trở lại làm việc hoặc đã chuyển đổi ngành nghề. Không chỉ thiếu hụt về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cũng là bài toán hóc búa hơn khi trở lại với trạng thái bình thường mới. Dịch bệnh đòi hỏi doanh nghiệp phải có các biện pháp nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh chuyển đổi số, đồng nghĩa với chất lượng nguồn nhân lực đặt ra phải cao hơn. Trong khi đó, chất lượng nguồn lao động vẫn chưa đạt yêu cầu do tay nghề thấp, thiếu kỹ năng mềm; khả năng thích ứng của người lao động với các phương thức, mô hình làm việc mới còn hạn chế. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 tác động đến tâm sinh lý của người lao động, làm giảm năng suất và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đáng lưu ý, cơ cấu lao động giữa khu vực chính thức và phi chính thức chưa thể trở lại trạng thái trước khi có dịch và đang thiếu những động lực tích cực để thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lao động phi chính thức sang chính thức… Thiếu hụt lao động không phải vấn đề mang tính dài hạn nhưng lại ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các khu vực trung tâm động lực của nền kinh tế khi nhiều người chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc.
Dự báo thị trường lao động cuối năm tiếp tục khởi sắc nhưng cùng với đó là tình hình giá cả sinh hoạt tại các thành phố lớn tăng cao đang khiến người lao động khó khăn hơn trong trang trải cuộc sống, nhiều lao động e ngại khi di cư để tìm việc. Do đó, Chính phủ cần chú trọng kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu để ổn định an sinh xã hội, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, nhất là những người chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Để tháo gỡ điểm nghẽn lớn nhất là chất lượng nguồn lao động, các chuyên gia kiến nghị cần quan tâm đến việc đào tạo, đào tạo lại để phù hợp với sự phục hồi và mở rộng của thị trường, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển kinh tế của từng vùng. Hệ thống trung tâm đào tạo việc làm phải có những cải cách tốt, tăng nhu cầu kết nối việc làm trên diện rộng hơn để người lao động có thể nắm bắt thông tin. Phía doanh nghiệp phải tạo được môi trường làm việc tốt như an toàn việc làm, nâng mức tiền lương, thực hiện nghĩa vụ an sinh xã hội. Cần tăng cường cung cấp thông tin về thị trường và phối hợp với người lao động để tổ chức đào tạo lại.
Về lâu dài, cần giải quyết những vấn đề cốt lõi mang tính chất quyết định đến sự phát triển của thị trường lao động là chính sách về tiền lương, an sinh xã hội, chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cũng như tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia.