Phối hợp nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực

Trong bối cảnh nguồn thu ngoài ngân sách đối với các cơ sở giáo dục đại học còn nhiều “điểm nghẽn” như hiện nay, việc đẩy mạnh ký kết hợp tác, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng chất lượng, cam kết bảo đảm đầu ra cho sinh viên là cần thiết. Những năm qua, Đại học Đà Nẵng đã thực hiện hiệu quả phối hợp nhà trường-doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động đào tạo.
Sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng với sản phẩm tham gia triển lãm khoa học-công nghệ sinh viên.
Sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng với sản phẩm tham gia triển lãm khoa học-công nghệ sinh viên.

Tháng 8/2024, Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đưa vào sử dụng Không gian sáng tạo số (DUE-MB Digital Hub) do Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tài trợ. DUE-MB Digital Hub gồm không gian học tập, hội thảo công nghệ số đa phương tiện, trao đổi, diễn thuyết và không gian ngân hàng số thông minh với hạ tầng kỹ thuật băng thông rộng, các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại và liên tục cập nhật phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học dành cho cán bộ, sinh viên.

Chia sẻ về dự án không gian sáng tạo số, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB cho biết: DUE-MB Digital Hub mang đến cho sinh viên cơ hội được trải nghiệm thực tế các sản phẩm dịch vụ trong hệ sinh thái ngân hàng số, từ đó góp phần thực tế hóa những kiến thức trên giảng đường, giúp sinh viên hiểu hơn về cách vận hành của ngân hàng số, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân sự của thị trường.

Trường đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng vừa tiếp nhận một ô-tô điện và một trụ sạc do Công ty TNHH Ô-tô Mitsubishi Việt Nam tài trợ để phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đây là chiếc xe hybrid điện sạc ngoài, được tích hợp động cơ xăng nhằm hỗ trợ xe hoạt động khi nguồn điện từ pin suy giảm và hỗ trợ lực kéo khi cần thiết. Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải tài trợ bảy động cơ ô-tô và hai rô-bốt hàn, bổ sung thiết bị theo công nghệ hiện đại cho các khoa Cơ khí và Cơ khí giao thông.

Trường đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Đại học Đà Nẵng vừa đưa vào vận hành phòng Lab thực nghiệm và nghiên cứu công nghệ mới do Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Nam Long hợp tác, đầu tư. Đây là hoạt động quan trọng trong kế hoạch hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm nâng cao uy tín và chất lượng đào tạo trên nền tảng các giải pháp và sản phẩm công nghệ tiên tiến hiện đại 4.0 về IoT, AI, GIS Cloud được đưa vào giảng dạy và đào tạo thực hành thông qua các dự án chuyển đổi số thực tế.

Trường đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng năm 2023 tiếp nhận nhiều thiết bị, linh kiện hiện đại từ nhiều doanh nghiệp. Trong đó Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Điện tự động Biển Đông tặng cho nhà trường bốn bộ demo KIT PLC Siemens Simatic S7-1200 để sử dụng trong công tác đào tạo ngành tự động hóa; Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải tài trợ hai động cơ mô hình và năm động cơ để sinh viên thực hành trực tiếp, tiếp cận gần hơn với công nghệ ô-tô, Công ty cổ phần Công nghiệp chính xác Việt Nam tặng Robot TA-1400-GII phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Mới đây, trường tiếp nhận phòng Lab “Internet of things” (IoT) từ Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Vconnex đầu tư…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật cho biết, trong điều kiện cơ sở vật chất các trường đại học còn thiếu và cũng khó bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thì sự hỗ trợ của doanh nghiệp đã giúp ích rất nhiều cho công tác đào tạo, nghiên cứu của giảng viên nhà trường và hỗ trợ sinh viên có cơ hội tiếp cận và nâng cao kỹ năng thực hành với nhiều trang thiết bị hiện đại.

Nguồn thu của cơ sở giáo dục đại học chủ yếu đến từ ba nguồn chính: Ngân sách nhà nước (đối với các trường công lập, đó có thể là cấp chi thường xuyên, chi đầu tư cho các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, bồi dưỡng cán bộ…); học phí và các nguồn thu hợp pháp khác, bao gồm hợp tác với doanh nghiệp, các nguồn tài trợ từ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân…

Trong bối cảnh khó khăn chung về nguồn thu để duy trì hoạt động, các trường đại học tại Đà Nẵng đã tìm ra nhiều giải pháp để thực hiện việc tăng nguồn thu từ chuyển giao khoa học và công nghệ, phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường học, tài trợ từ doanh nghiệp… Năm học 2022- 2023, nguồn thu từ chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm nghiên cứu cho các địa phương, doanh nghiệp và phục vụ cộng đồng của toàn Đại học Đà Nẵng đạt khoảng 70 tỷ đồng.

Trong đó, năm 2023, Trường đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng thực hiện tự chủ chi thường xuyên, tổng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường là gần 42 tỷ đồng, chưa tính từ nguồn hợp tác quốc tế. Năm 2023 của Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng có nguồn thu từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ đạt khoảng 10 tỷ đồng. Trường đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng đã ký hợp đồng triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia với Bộ Khoa học và Công nghệ với đề tài “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý giao thông đô thị thông minh sử dụng công nghệ bản sao số” với kinh phí thực hiện là 8,1 tỷ đồng…

Theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, một trong những giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” để tăng nguồn thu cho các trường đại học trong bối cảnh thực hiện tự chủ, đó là khơi thông các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học.

Vì vậy, để các trường đại học tăng nguồn thu, thực hiện tự chủ, Chính phủ cần bổ sung, hoàn thiện, ban hành các chính sách như về thuế, đất… khuyến khích doanh nghiệp chú trọng tiết kiệm dành nguồn đầu tư để hỗ trợ, đóng góp cho các trường đại học; khuyến khích các trường tiếp nhận các nguồn tài trợ quốc tế, nhằm tranh thủ thêm nguồn lực để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.