Đầu tàu du lịch

Sau hơn hai năm vật lộn với đại dịch bằng các biện pháp khắc nghiệt chưa từng có, các nước trên thế giới bắt đầu có xu hướng thích ứng an toàn với Covid-19. Dỡ bỏ các biện pháp “ngăn sông, cấm chợ”, đóng cửa biên giới và phong tỏa, giãn cách xã hội, thế giới cho thấy quyết tâm khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, trong đó ngành du lịch là một đầu tàu quan trọng.

Một góc TP Phú Quốc nhìn từ trên cao.
Một góc TP Phú Quốc nhìn từ trên cao.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước tận dụng mọi cơ hội để khôi phục du lịch, một động lực lớn của nền kinh tế toàn cầu, có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), ngành “công nghiệp không khói” đóng góp tới 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tạo việc làm cho 10% lực lượng lao động.

Tuy nhiên, sau hơn hai năm gồng mình với đại dịch, du lịch là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất. Các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại đã khiến từng mắt xích trong chuỗi giá trị du lịch, như hàng không, khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành... điêu đứng, thậm chí phá sản.

Năm 2020, khi đại dịch bùng phát và lan rộng, lượng khách quốc tế giảm tới 73%, tương đương một tỷ lượt khách, khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại hơn 1.300 tỷ USD. Con số thâm hụt kinh hoàng này cao gấp 11 lần mức thiệt hại mà ngành này từng hứng chịu trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009. Năm 2021, hoạt động du lịch gần như “đóng băng” gây thiệt hại 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Ở nhiều quốc gia, số lao động mất việc làm trong lĩnh vực du lịch chiếm gần 30% số người thất nghiệp do tác động của đại dịch.

Cùng với sự chuyển đổi từ chính sách “zero Covid” sang thích ứng an toàn với dịch bệnh, việc mở cửa và khôi phục ngành du lịch là yêu cầu cấp bách, bởi đây là một động lực lớn cho khôi phục đà tăng trưởng kinh tế thế giới. Việc nhiều nước nối lại hoạt động du lịch từ giữa năm 2021 đã mang lại kết quả tích cực. Nhờ tỷ lệ tiêm phủ vắc-xin cao, châu Âu là khu vực đi đầu trong việc mở cửa đón du khách quốc tế.

Từ ngày 1/3, Liên minh châu Âu (EU) cho phép du khách đến từ các nước ngoài khối được nhập cảnh với điều kiện đã tiêm đủ liều cơ bản và mũi tăng cường. Một loạt nước châu Âu đã mở cửa với du khách nước ngoài như Hy Lạp, Pháp, Bồ Ðào Nha, Thụy Ðiển, Na Uy… tiếp tục nới lỏng quy định nhập cảnh, như bỏ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 tại điểm đến đối với những du khách đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Các nước châu Á cũng từng bước thí điểm khôi phục hoạt động ở quy mô nhỏ đối với từng điểm du lịch, tiến tới mở cửa hoàn toàn.

Tại khu vực Ðông Nam Á, Campuchia từ cuối tháng 1/2022 đã phát động chiến dịch “Campuchia: Ðiểm du lịch xanh và an toàn”, theo đó du khách đã tiêm chủng được chào đón mà không cần cách ly. Từ tháng 2, Thái Lan nối lại chương trình Test & Go (xét nghiệm và đi), cho phép du khách quốc tế đã tiêm phòng đầy đủ chỉ phải lưu lại một đêm tại khách sạn để chờ kết quả xét nghiệm Covid-19.

Singapore mở rộng chương trình du lịch miễn cách ly với Hồng Công (Trung Quốc), Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và sẽ tiếp tục bổ sung các điểm đến. “Ðảo quốc sư tử” cũng sẽ khôi phục và tăng số người được phép tham gia Chương trình làn đi lại cho người đã tiêm vắc-xin, vốn bị hạn chế từ tháng 12/2021 do sự bùng phát của biến thể Omicron. Indonesia triển khai chương trình thử nghiệm miễn cách ly nhập cảnh cho du khách nước ngoài tới hòn đảo xinh đẹp Bali  từ ngày 7/3. 

Philippines cũng mở cửa trở lại với du khách nước ngoài đã tiêm đủ liều vắc-xin từ 157 quốc gia và vùng lãnh thổ. Malaysia sẽ mở cửa biên giới hoàn toàn và bắt đầu chuyển sang giai đoạn coi Covid-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/4 tới, theo đó du khách quốc tế đã tiêm chủng đủ liều, có chứng nhận PCR âm tính được phép nhập cảnh không cần cách ly. Lào thận trọng từng bước mở cửa theo ba giai đoạn, cho phép các vùng xanh gồm thủ đô Viêng Chăn, thành phố Luang Prabang và thị trấn Vang Vieng dần mở cửa trở lại đón khách du lịch...