Dấu ấn Bình Dương qua 26 năm phát triển

Tỉnh Bình Dương được tái lập ngày 1/1/1997 trên cơ sở chia tách tỉnh Sông Bé thành tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Qua 26 năm phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội, đưa Bình Dương phát triển công nghiệp mạnh mẽ, là điểm sáng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc trung tâm thành phố mới Bình Dương.
Một góc trung tâm thành phố mới Bình Dương.

Sau khi tái lập tỉnh, tiếp tục kế thừa những thành quả, chủ trương, chính sách của tỉnh Sông Bé, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Dương đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức để xây dựng Bình Dương phát triển năng động.

Công nghiệp, dịch vụ, đô thị phát triển vượt bậc

Tỉnh đã đạt được kết quả nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, được xem là một trong những địa phương tiên phong về công nghiệp và thu hút đầu tư của cả nước. Tính đến nay, quy mô kinh tế của Bình Dương đạt trên 412.516 tỷ đồng, gấp 105,3 lần so với năm 1997; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2022 đạt 166 triệu đồng/người, tăng gần 28 lần so với năm 1997; thu ngân sách hằng năm của tỉnh luôn đạt mức cao và liên tục có đóng góp tích cực cho ngân sách trung ương, riêng năm 2022 đạt 61.940 tỷ đồng, tăng gần 76 lần so với năm 1997.

Chủ trương xuyên suốt “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư” là tiền đề quan trọng thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến Bình Dương.

Chủ trương xuyên suốt “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư” là tiền đề quan trọng thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến Bình Dương. Đến nay, toàn tỉnh có 59.484 doanh nghiệp đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 627 nghìn tỷ đồng, tăng gần 49 lần về số lượng doanh nghiệp và tăng hơn 130 lần về vốn so với năm 1997. Tỉnh đã thu hút 4.082 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 39,7 tỷ USD, tăng gấp hơn 30,5 lần về số dự án và hơn 32 lần về số vốn so với năm 1997.

Trong suốt chặng đường phát triển, tỉnh Bình Dương đã quyết tâm đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hiện nay từng bước chuyển mình sang giai đoạn mới, đón làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng đô thị thông minh, vùng đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới. Nhờ đó đã thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển theo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 25,9%/năm; năm 2022 đạt 269.440 tỷ đồng, tăng gần 88,6 lần so với năm 1997; kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 35,7 tỷ USD, gấp 96,8 lần so với năm 1997; thặng dư thương mại của tỉnh năm 2022 đạt gần 10 tỷ USD.

Công tác đối ngoại được đẩy mạnh, quan hệ hợp tác khu vực, quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu. Đến nay, tỉnh Bình Dương đã ký kết hợp tác hữu nghị với 10 tỉnh, thành phố nước ngoài; tỉnh vinh dự được đăng cai và tổ chức thành công các hội nghị của Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Horasis (năm 2018 và năm 2019), Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn Độ Horasis 2022; là thành viên chính thức của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF)...

Những kết quả này đã góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh và vị thế của Bình Dương trên trường quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng, thúc đẩy phát triển thương mại và thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh chú trọng phát triển theo hướng hình thành các vùng chuyên canh cây trồng phù hợp lợi thế của từng vùng và phát triển loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Kết quả là giá trị sản xuất nông nghiệp tại tỉnh luôn ổn định với mức tăng 2,74%/năm. Quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới chuyển dịch nhanh chóng, đến năm 2020 có 49/49 xã của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn một năm so kế hoạch và được Trung ương đánh giá cao. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 29 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

An sinh xã hội được bảo đảm

Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng lên. Tỉnh đã tập trung lãnh đạo giải quyết ngày càng tốt hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chủ trương, chính sách.

An sinh và phúc lợi xã hội được quan tâm, bảo đảm mọi người dân và các đối tượng bảo trợ đều được chăm lo, thụ hưởng đầy đủ từ các thành quả phát triển kinh tế.

An sinh và phúc lợi xã hội được quan tâm, bảo đảm mọi người dân và các đối tượng bảo trợ đều được chăm lo, thụ hưởng đầy đủ từ các thành quả phát triển kinh tế. Tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục, y tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội; công tác chăm lo phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động và người thu nhập thấp được Trung ương đánh giá là điểm sáng của cả nước.

Công tác giảm nghèo đạt thành tựu quan trọng, từ năm 2017 Bình Dương được công nhận không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn riêng của tỉnh chỉ còn dưới 1%. Cùng với việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách thu hút nguồn nhân lực trong nước và quốc tế để phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa với hơn một triệu lao động từ khắp mọi miền đất nước và nhiều quốc gia đến sinh sống và làm việc.

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư vừa qua, Bình Dương đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Với tinh thần “tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và quan trọng nhất”, tỉnh Bình Dương đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết, huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với đặc điểm, diễn biến tình hình dịch bệnh, đã giúp hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; từng bước kiểm soát được tình hình dịch bệnh đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, ổn định sớm nhất đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Bên cạnh các thành tựu kinh tế-xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại tỉnh luôn giữ vững, ổn định; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực; tổ chức, bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước được thực hiện quyết liệt; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường...

Phát huy thành quả

Qua 26 năm xây dựng và phát triển, những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Dương đạt được là rất đáng tự hào và trân trọng. Kết quả đó là sự kết tinh của truyền thống cần cù, năng động và sáng tạo của người dân Sông Bé-Bình Dương; là sự vận dụng nhạy bén, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cụ thể hóa thành những chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Những thành quả đó còn là sự chủ động trong công tác đối ngoại, xây dựng hình ảnh Bình Dương để thu hút đầu tư; là quyết tâm, sáng tạo và nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để tham gia tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân an tâm sản xuất, kinh doanh, góp phần mang lại sự thịnh vượng chung của toàn xã hội.

Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng: Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Dương đạt được, nhất là những bài học kinh nghiệm trong 26 năm xây dựng và phát triển sẽ là tiền đề quan trọng và là động lực to lớn giúp tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức để tiếp tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn trong thời gian tới với mục tiêu cụ thể đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 xác định: “…phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Đảng bộ tỉnh Bình Dương sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả và phát huy sức mạnh đại đoàn kết; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi sau Covid-19 song song với nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng quy mô nền kinh tế, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ chất lượng cao, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng, tăng cường bảo vệ tài nguyên và môi trường; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển; tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển khoa học-công nghệ; thực hiện tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng sống của nhân dân...

Với sự đoàn kết chặt chẽ, chung sức đồng lòng, tỉnh Bình Dương tin tưởng sẽ đạt được những thành tựu mới cao hơn, đưa tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững hơn và sớm trở thành một đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.