Đặt mục tiêu đưa 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài

NDO -

Trong năm 2022, mục tiêu đặt ra là đưa 90 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam lên đường sang Nhật Bản làm việc. (Ảnh minh họa: Vietnamplus)
Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam lên đường sang Nhật Bản làm việc. (Ảnh minh họa: Vietnamplus)

Ngày 10/1, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Trong năm 2021, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19. Đại dịch bùng phát ở 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các khu vực, đặc biệt các quốc gia và vùng lãnh thổ trọng điểm tiếp nhận lao động Việt Nam. Thêm vào đó, tình hình các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh. Dịch Covid-19 cũng bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước, tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế-xã hội trong nước.

Một số thị trường thu hút nhiều lao động nước ta trong năm 2021 như: Đài Loan (Trung Quốc): 19.531 người; Nhật Bản: 19.510 người; Trung Quốc: 1.820 người; Hàn Quốc: 1.036 người…

Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2021 là hơn 45 nghìn người, trong đó có hơn 15 nghìn lao động nữ. Con số này chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch được giao của năm, dự kiến 90 nghìn lao động.

Cũng trong năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tham gia đàm phán, hoàn thiện trình lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ký gia hạn Bản ghi nhớ về việc đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS); hoàn thiện hồ sơ, thống nhất nội dung gia hạn Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Malaysia về tuyển dụng lao động.

Đồng thời, tham mưu để Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ thành lập đoàn và khởi động đàm phán Hiệp định giữa Việt Nam và Israel về tuyển dụng người lao động Việt Nam làm việc có thời hạn tại quốc gia này; xây dựng dự thảo Thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thái Lan…

Trong năm 2022, cơ quan này sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu đạt kế hoạch được Chính phủ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao là đưa 90 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Cùng với đó, đơn vị sẽ hoàn thiện, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận; phối hợp chặt chẽ cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm 2022 của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Trong đó, chú trọng phổ biến và triển khai pháp luật để Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn Luật đi vào cuộc sống. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Tổ chức triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Quan tâm hơn quyền của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong đại dịch

Tăng mức hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gặp rủi ro