Đáp ứng nhu cầu thực phẩm dịp Tết

Với phương châm phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời, kết hợp thực hiện đồng bộ biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để bảo đảm nguồn cung thịt động vật phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
0:00 / 0:00
0:00

Nhằm hỗ trợ các hộ dân trong hoạt động chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm gà đồi Ba Vì, từ nhiều năm nay, Hợp tác xã Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì được thành lập và đã trở thành mô hình phát triển bền vững tại huyện Ba Vì.

Với tổng đàn gà lên tới 300.000 con mỗi năm, hợp tác xã đã cung cấp trung bình 25.000 con mỗi tháng ra thị trường, với giá bán ổn định ở mức từ 90.000-110.000 đồng/kg gà thương phẩm và 160.000 đồng/kg gà mổ sẵn, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên.

Ðại diện Hợp tác xã Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì cho biết, hợp tác xã thành lập dựa trên cơ sở các hộ chăn nuôi riêng lẻ, chưa có quy trình sản xuất đồng bộ. Vì thế, các thành viên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do ngành nông nghiệp và các đơn vị tổ chức với quy trình chăn nuôi bài bản, đồng bộ theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trong quá trình chăn nuôi, từ khâu chọn giống, thức ăn và nhất là công tác phòng chống dịch bệnh đều được các thành viên thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, đàn gà phát triển tốt, rất ít bị dịch bệnh. Chất lượng thịt gà ngon, ổn định.

Theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì, gà đồi Ba Vì được thả nuôi trong môi trường tự nhiên trên các đồi gò rộng rãi và nguồn thức ăn phần lớn là ngô, cám, rau xanh, phụ phẩm nông nghiệp… đã tạo ra thịt gà săn chắc, thơm ngon, khác biệt với các loại gà nuôi công nghiệp.

Ðáng chú ý, công tác phòng chống dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, giúp đàn gà phát triển thuận lợi, hạn chế nhiều rủi ro cho các cơ sở chăn nuôi. Hiện nay, trên địa bàn huyện phát triển nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn, với tổng đàn đạt 5,7 triệu con, tập trung tại các xã Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng… Sản lượng gà xuất bán ra thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận hằng năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đạt hàng chục nghìn tấn.

Ðại diện Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã tiến hành hướng dẫn, đôn đốc thú y cơ sở giám sát dịch bệnh chặt chẽ, thông tin báo cáo, điều tra, xác minh kịp thời khi có ổ dịch xảy ra. Chi cục cũng đã lấy nhiều mẫu xét nghiệm vi-rút cúm gia cầm, kiểm tra giám sát dịch cúm gia cầm... tại các địa phương.

Nhờ chủ động phòng chống cho nên dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm từ đầu năm 2024 đến nay được kiểm soát; các bệnh thông thường chỉ xảy ra nhỏ lẻ; tỷ lệ vật nuôi ốm, chết thấp. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán, nguy cơ dịch bệnh tăng cao do diễn biến thời tiết thất thường.

Ðể chủ động phòng chống dịch bệnh, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025, với phương châm phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời; kết hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản.

Phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh ở gia súc, gia cầm, thủy sản khi còn ở diện hẹp. Thành phố yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, giảm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư; đồng thời tăng cường giám sát việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán tại các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn..., bảo đảm an toàn dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới.