Đào tạo đội ngũ công chức bắt nhịp ngay với công việc của quận

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và 16 phường thuộc quận. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Gia Lâm từng bước thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị, góp phần khai thác lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ tại Bộ phận "một cửa" UBND xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. (Ảnh TUỆ NGHI)
Cán bộ tại Bộ phận "một cửa" UBND xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. (Ảnh TUỆ NGHI)

Theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, quận Gia Lâm được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên là 116,64 km2, quy mô dân số hơn 300.000 người và thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, phương án thành lập quận Gia Lâm và 16 phường thuộc quận dựa trên cơ sở sáp nhập 22 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn.

Trong đó, một số xã không đạt chỉ tiêu về diện tích tự nhiên và dân số để thành lập phường theo quy định cho nên phải sáp nhập. Cụ thể, có bốn phường: Trâu Quỳ, Đa Tốn, Kiêu Kỵ và Dương Xá được thành lập trên cơ sở bốn xã, thị trấn có sự điều chỉnh địa giới hành chính. Sáu phường gồm Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng và Kim Đức được thành lập trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính của 12 xã, thị trấn. Đến nay, huyện đã đạt 5/5 tiêu chuẩn để thành lập quận, đạt 31/31 tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định...

Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định, việc thành lập quận Gia Lâm là cần thiết, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Gia Lâm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Gia Lâm có cơ hội tăng cường thu hút đầu tư, tiếp tục cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khai thác tốt hơn tiềm năng của các xã, thị trấn.

Đồng thời nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh-quốc phòng của thành phố, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội nói chung và huyện Gia Lâm nói riêng.

Trước đó, vào ngày 27/8, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm đã đồng loạt tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận tại hơn 160 khu vực. Kết quả cho thấy 99% cử tri đồng ý về việc thành lập quận Gia Lâm; 98,81% cử tri đồng ý về việc thành lập các phường thuộc quận Gia Lâm.

Kết quả này đã thể hiện sự đồng lòng, mong muốn, quyết tâm của cử tri và nhân dân huyện trong lộ trình hiện thực hóa để Gia Lâm trở thành quận và là đô thị hiện đại trong tương lai.

Chị Đào Hồng Nhung, ở khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm chia sẻ: Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của thành phố về việc xây dựng Gia Lâm từ huyện lên quận. Mong rằng khi huyện thành quận, xã thành phường, cơ sở hạ tầng sẽ được đầu tư nhiều hơn, đời sống nhân dân được nâng cao.

Theo Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà: Việc Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện. Đó còn là một bước cụ thể hóa chủ trương theo Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và định hướng của thành phố về phát triển huyện Gia Lâm theo hướng thành lập quận “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, phát triển toàn diện, bền vững và bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân.

Ngay sau kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố, huyện Gia Lâm sẽ phối hợp cùng với các sở, ngành hoàn tất hồ sơ để trình các bộ, ngành thẩm định, để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Song song với đó, huyện sẽ tập trung tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là trong các lĩnh vực cải cách hành chính, quản lý đất đai, xây dựng, quản lý đô thị, để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có thể bắt nhịp ngay khi chuyển chính thức từ huyện lên quận.

Trước mắt, huyện sẽ cùng thành phố xây dựng giải pháp, cân đối nguồn lực để quyết tâm hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt tại một số xã, thị trấn. Trong đó, thị trấn Trâu Quỳ còn một tiêu chí chưa đạt về đất công trình giáo dục; xã Dương Quang còn một tiêu chí chưa đạt về mật độ đường cống thoát nước chính; các xã Lệ Chi, Thiên Đức còn một tiêu chí chưa đạt về cơ sở thương mại.