Họa sĩ Đào Anh Khánh “không chỉ là người mơ mộng”

Trần, triển lãm cá nhân đặc biệt của họa sĩ Đào Anh Khánh, diễn ra trong nửa đầu tháng 12 vừa qua tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khiến cho rất nhiều công chúng biết về anh không khỏi ngạc nhiên: 500 bức tranh và không có một màn trình diễn nào. 15 năm qua, Đào Anh Khánh nổi tiếng là một nghệ sĩ trình diễn của Việt Nam, rất nhiều công chúng của anh còn không tin anh là một người vẽ.

Một góc nhà sàn Ngọc Thụy của họa sĩ Đào Anh Khánh.
Một góc nhà sàn Ngọc Thụy của họa sĩ Đào Anh Khánh.

Vẽ và đàn bà như là duyên và mệnh


Trong số 500 bức tranh của anh triển lãm lần này, hầu hết là tranh vẽ với bút sắt trên giấy bìa trắng, khổ A4. Khánh giăng kín những bức vẽ này quanh phần tường cao áp trần và bên dưới của khoảng 20 bức tranh, với chất liệu bạc và acrylic trên vải. Triển lãm còn trưng bày hai tấm bình phong sơn mài, khéo khoe sự đa dạng về chất liệu hội họa của một người yêu vẽ.


Đào Anh Khánh đi học vẽ từ năm chín tuổi ở Nhà văn hóa thành phố Hà Nội (phố Hàng Buồm) và lẽo đẽo với niềm yêu thích vẽ tranh, nặn tượng cho đến ngay cả khi đã đi học Đại học An ninh để theo nghiệp cha. Năm 1990, Đào Anh Khánh có triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Hà Nội, khi vừa đi làm vừa học đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội (niên khóa 1986 - 1991). Sau đó, anh liên tục có thêm ba triển lãm cá nhân hằng năm nữa và như một mối duyên đã định với mỹ thuật, cho dù cố gắng theo nghiệp của người cha đến mấy. Năm 1993, anh chuyển ngành, trở thành một họa sĩ tự do vì thấu hiểu sự cần thiết được chủ động về thời gian đối với một công việc ma mị mà khi nó cuốn anh đi, lý trí sẽ khó mà dừng anh lại.


Hàng trăm bức vẽ đơn sắc đen trắng trong triển lãm lần này được ra đời cũng trong hoàn cảnh tương tự. Anh vẽ trong lần chuyển sang Đông Timor một vài tháng, thăm bạn gái và hai đứa con bé nhỏ hồi đầu năm nay. Anh bảo chưa có mấy khi nào mà nguồn cơn vẽ trong anh lại ngùn ngụt như lần đó, miên man, liên tục với mạch cảm hứng duy nhất là về tình yêu nam nữ. Đến độ nhìn đâu, từ viên đá, cái lá cỏ, nhành hoa dại, cũng thấy sự gợi cảm của thân thể người phụ nữ trong mắt một gã đang yêu. Cả hai gian phòng triển lãm ngợp trong một thứ cảm giác lạ, nồng nàn, nhục cảm cuốn hút và cũng tinh tế lắm. Khánh thành công khi đã phả được con người cá nhân anh vào đây, hoàn toàn là Khánh, không một chút vay mượn. Nó khiến người đứng trong đây không còn thắc mắc về nghệ thuật của anh mà chỉ thấy hiển hiện rõ ràng nhất một cá tính nghệ sĩ chân thực và đáng yêu. Trong lời đề từ cho triển lãm, một đồng nghiệp của anh viết: “... Khánh yêu, chiêm nghiệm và tôn thờ người đàn bà, thiên nhiên - vẻ đẹp bí ẩn theo cách riêng: nhập mình vào trong họ và ngược lại để quyến rũ”.

Một Gầm trời cho tất cả


Quay ngược thời gian về lại những dịp Đáo Xuân, đêm trình diễn được công chúng của anh háo hức chờ đón mỗi dịp Xuân về. Đã có chín Đáo Xuân như vậy. Bắt đầu từ năm 1999, khi anh muốn làm một “cái gì đó thật khác thường mà vẫn là anh” để chào đón thiên niên kỷ thứ ba. Một chuyến “du hành vào vũ trụ” cuối năm đó với lửa, âm nhạc điện tử, những thanh âm hú hét hoang dã như vọng từ đâu đó trong đại ngàn cổ xưa. Bị cuốn hút vì sự khác lạ và gây tò mò lớn, hàng nghìn khán giả đã chen chân xem anh, dân chúng quanh khu nhà sàn của anh ở phường Ngọc Thụy, Gia Lâm (Hà Nội) thì trèo cả lên sân thượng, tường nhà để ngóng xem và bàn tán sôi nổi. Anh cũng không quan tâm lắm đến việc có thể gọi đó là nghệ thuật trình diễn hay không, mà chỉ quan tâm xem mọi người đã đến thì có vui thật với anh và có muốn đến nữa, vui nữa. Sau một chương trình lớn khác trong năm 2000, Đào Anh Khánh bắt đầu nghĩ đến tính thường niên của một sự kiện nghệ thuật để Nhà sàn của anh trở thành một điểm hẹn. Mỗi một Đáo Xuân của anh, người ta lại nắc nỏm hò nhau cùng đi, mặc dù biết rõ có thể vẫn chỉ là lửa ấy, thanh âm ấy, mầu sơn phết và quấn vải na ná thế trên thân hình mảnh khảnh như cây sậy của Khánh... nhưng mà không thể không đi vì như bị cuốn hút bởi một ma lực nào đó từ anh.


Nhưng tất cả các sự kiện ấy hẳn chỉ như một đợt tập dượt dài hạn cho giấc mơ lớn của đời anh: một thung lũng nghệ thuật cho tất cả người Việt Nam nào muốn đến với nó. Chừng gần 20 năm trước, trong một chuyến đi chơi Mèo Vạc qua khu Lương Sơn (Hòa Bình) anh thấy khu đất mà giờ được mở rộng tới 10 ha ven đường quá đẹp, có cả mây la đà nữa. Vậy là rẽ xe vào, hỏi mua một lúc 6 ha để đấy. Giữa mầu xanh mướt của một thung lũng đầy cây và cỏ lá, anh tưởng tượng đến hàng chục cột tượng trắng muốt, cao tối thiểu cũng 25m, tối đa là 35m, đường kính từ 4 đến 5m. Nhìn xa, đó có thể là một bức tranh siêu thực hài hòa do thiên nhiên và con người cùng kiến tạo. Nhìn gần, mỗi cột tượng vừa là một biểu trưng cho vẻ đẹp của hài hòa âm - dương... vừa là một tòa nhà, bên trong có nhiều phòng nhỏ làm nơi lưu trú cho nghệ sĩ và khách tham quan. Anh gọi đó là thung lũng Gầm trời, và mơ nó sẽ là một “gầm trời cho tất cả”.

Không chỉ là người mơ mộng

Họa sĩ Đào Anh Khánh “không chỉ là người mơ mộng” ảnh 1

Trình diễn trong chương trình Đáo Xuân III năm 2005.

Cho đến khi dựng xong cột tượng cao nhất, anh đặt tên là Hạt của Chúa, mấy tháng trước, anh thật sự tự tin nói với người viết bài rằng, anh “không chỉ là người mơ mộng nữa”. Anh làm thật, cho dù từng bị đóng đinh trong nhận xét rằng anh là kẻ “phù du”. Thì nhìn ở góc độ kinh tế, anh phù du quá đi chứ. Mỗi một Đáo Xuân, cũng vài chục triệu đồng ném đi “mua vui cho thiên hạ”. Rồi ở thung lũng này, mỗi một cây cột có thể tích như thế, bằng bê-tông cốt thép, ít nhất cũng ngốn của anh 600 triệu đồng. Riêng Hạt của Chúa tốn chừng một tỷ đồng. Anh thuê thợ địa phương, mọi phương tiện vận chuyển vật liệu và xây dựng đều hoàn toàn thô sơ, thủ công vì còn phải chuyển qua chừng 1,5 cây số đường mà anh chỉ có thể tả ngắn gọn: “Như đường Trường Sơn hồi chiến tranh”. Hàng chục người thợ cùng anh, làm quần quật nhưng luôn phải hết sức tỉnh táo về tất cả các chi tiết liên quan trong quá trình xây dựng để không xảy ra sơ suất nào đáng tiếc. Anh run run kể lại cái cảm giác khi đứng trên đỉnh cây tượng 35m giữa đất trời, anh đã khóc. Lần thứ hai anh khóc, lần trước là vì cảm thấu cái sự khắc nghiệt và đơn độc, lần này là khóc vì tất cả cảm giác ấy hòa trong cảm giác đã hoàn thành một công việc tưởng như bất khả. Anh dùng tay khía sâu vào phần bê-tông còn ướt trên đỉnh cột tượng dòng chữ “Xin cảm tạ đất trời”, rồi cùng nhóm thợ thành tâm thắp hương...


Tất cả chi phí hiện tại cho Gầm trời ấy đều là từ tiền túi của anh. Một vài năm gần đây, anh bán tranh được cho người Việt Nam, đến mức mà chính anh cũng chưa hiểu nổi vì sao người Việt mình giờ lại chơi tranh nhiều vậy. Anh vui và cảm thấy hay là có một mối duyên nào đó cho chính giấc mơ một thung lũng nghệ thuật cho người Việt mình. Có dễ đến phân nửa số tiền đầu tư cho thung lũng là từ tiền bán tranh cho người Việt, anh kể vậy.


Những cột tượng - cột mốc đầu tiên của thung lũng nghệ thuật đã hoàn thành trong sự hài lòng và đặc biệt là sự an toàn của tất cả những người thợ đã chung sức cùng anh. Anh thấy công việc của mình như còn được cổ vũ bởi trời đất, bởi một niềm tin tâm linh mà anh cảm nhận được. Thung lũng ấy sẽ là một cơ thể sống của nghệ thuật chứ không phải là một bảo tàng câm lặng với thời gian, với con người. Vượt qua được nhiều khó khăn rồi nên anh có lý do để tiếp tục mơ về những đại trình diễn giữa một thung lũng tự nhiên thuần khiết. Anh đã lên lịch cho giấc mơ ấy và biến nó thành “giấc mơ có thật” vào ngày 23-3-2019, thời điểm mà hàng trăm cây gạo trổ hoa đỏ rực, cây trầu trổ hoa trắng muốt giữa thung lũng ấy. Đó cũng là năm anh 60 tuổi.

Nhưng tất cả các sự kiện ấy hẳn chỉ như một đợt tập dượt dài hạn cho giấc mơ lớn của đời anh: một thung lũng nghệ thuật cho tất cả người Việt Nam nào muốn đến với nó.

Khánh thành công khi đã phả được con người cá nhân anh vào đây, hoàn toàn là Khánh, không một chút vay mượn.