Đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị

NDO - Ngày 23/6, tại thành phố Phủ Lý (Hà Nam), Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị”.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu dự hội thảo.
Đại biểu dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Xây dựng cho biết, thời gian qua, để thể chế hóa các định hướng lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành đã tham mưu ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách có liên quan đến công tác quản lý, phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước qua từng giai đoạn, thời kỳ.

Đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị ảnh 1

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu khai mạc hội thảo.

Hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết tháng 5/2023, toàn quốc có 898 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 đạt khoảng 41,7%.

Nhiều đô thị mới được hình thành và phát triển; các đô thị hiện hữu cũng từng bước được nâng cấp, cải tạo, mở rộng cả về quy mô đất đai, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được nâng cao…

Đạt được các kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các quy định pháp luật điều chỉnh về quản lý, phát triển đô thị đang được quy định tại nhiều văn bản như: Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi bổ sung năm 2020 và Luật Đầu tư... Thông qua việc triển khai áp dụng các quy định pháp luật này, công tác quản lý phát triển đô thị trên cả nước đã đạt được những kết quả đáng kể.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, phát triển đô thị thời gian qua cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Vì vậy, việc tổ chức hội thảo "Đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị" là cần thiết, làm cơ sở đề xuất các chính sách khi lập Đề nghị xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị.

Từ đó, góp phần hoàn thiện, thống nhất quy định pháp luật về quản lý phát triển đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, phát triển đô thị theo hướng bền vững; đồng thời, khắc phục các tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong triển khai thực hiện quy định pháp luật.

Đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị ảnh 2

Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà quản lý tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ các nội dung liên quan đến: việc thi hành, thực hiện các quy định pháp luật có liên quan trong quản lý và phát triển đô thị; các tồn tại, vướng mắc trong quản lý và phát triển đô thị thời gian qua; đề xuất các giải pháp, chính sách về quản lý và phát triển đô thị, làm cơ sở định hướng sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong thời gian tới.

Các ý kiến, đề xuất của các đại biểu đề cập các lĩnh vực rất đa dạng liên quan đến quản lý, phát triển đô thị.

Đó là, vấn đề quản lý hệ thống đô thị, liên kết mạng lưới, phân công nhiệm vụ đô thị các cấp; vấn đề xây dựng phát triển các khu vực trong đô thị, các mô hình mới trong phát triển đô thị; vấn đề quản lý hạ tầng đô thị, cung cấp dịch vụ đô thị; vấn đề cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; vấn đề nguồn lực cho phát triển đô thị và vấn đề quản lý nhà nước về phát triển đô thị…

Các ý kiến trao đổi, thảo luận, tham luận tại hội thảo là cơ sở quan trọng để Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị.