Tham dự hội nghị có Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an - đơn vị chủ trì xây dựng các dự án Luật cùng một số đơn vị chức năng của Bộ Công an; các đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Nam, đại diện các sở, ban, ngành.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: quán triệt tinh thần của lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị chuyên đề về 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 và các kỳ họp tiếp theo gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Các dự án luật này đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và để phục vụ mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Tại hội nghị, đại diện Công an tỉnh Hà Nam trình bày những nội dung tóm tắt của 5 dự án Luật.
Các ý kiến tập trung thảo luận làm rõ thêm các vấn đề liên quan sự cần thiết xây dựng, ban hành và nội dung cơ bản 5 dự án Luật; những khó khăn, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện một số quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
Đồng tình cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành 5 Luật, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Nam Trần Văn Thanh cho rằng: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân được xây dựng và ban hành sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về việc tăng hạn tuổi phục vụ đối với người lao động.
Đồng thời, đại biểu cho rằng, xây dựng luật nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam Đỗ Hồng Hà cho rằng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở chính là cánh tay nối dài của lực lượng Công an chính quy ở cơ sở.
5 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng xuất phát từ chính yêu cầu thực tiễn, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ quản lý nhà nước.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên
Theo đó, việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sẽ tạo hành lang pháp lý để lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động.
Chỉ ra những bất cập, tồn tại của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nam Khổng Đình Nguyên nhấn mạnh việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 dự án Luật là Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ hết sức cần thiết.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hiện đang điều chỉnh cả 2 lĩnh vực là trật tự an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Thực tiễn áp dụng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên khẳng định, 5 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng xuất phát từ chính yêu cầu thực tiễn, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ quản lý nhà nước.
Đồng thời đồng chí cho biết: các tham luận, ý kiến sẽ giúp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện các dự án Luật.