Theo The Irish Time, năng lượng gió và mặt trời đã trở thành trung tâm trong chiến lược chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo của quốc gia này. Bà Clare Duffy, chuyên gia từ công ty năng lượng ESB cho biết, để tận dụng cao nhất tiềm năng của các nguồn tài nguyên này, việc lưu trữ năng lượng dư thừa là rất cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Ireland. “Quá trình này cần sự kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố: Phát triển năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và các nguồn phát điện dự phòng truyền thống”, bà Duffy nhấn mạnh. Bằng cách làm như vậy, Ireland không chỉ giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ các khu vực địa-chính trị bất ổn mà còn tối ưu hóa việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên nội địa.
Trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính, ESB đã đầu tư hơn 300 triệu euro vào công nghệ lưu trữ pin, có khả năng lưu trữ hơn 300 MW dung lượng trong 2 giờ đồng hồ. Với 5 địa điểm trên khắp Ireland, các hệ thống này đủ để cung cấp điện cho khoảng 200.000 hộ gia đình. Điểm nổi bật của công nghệ lưu trữ pin là khả năng phản hồi nhanh chóng. “Khi xảy ra thiếu hụt điện, hệ thống pin có thể kích hoạt chỉ trong vòng 120 mili giây”, bà Duffy cho biết.
Ngoài lưu trữ pin, ESB cũng phát triển các nhà máy phát điện dự phòng. Nhà máy phát điện tại Poolbeg Energy Hub được đầu tư bởi ESB, là sự tích hợp của hệ thống lưu trữ pin 75 MW với một nhà máy phát điện dự phòng. Ban đầu, nhà máy này hoạt động bằng khí tự nhiên nhưng sẽ dần chuyển đổi sang nhiên liệu đã khử carbon khi công nghệ này trở nên phổ biến hơn.
Với tầm nhìn chiến lược và những hành động quyết liệt, Ireland đang trở thành một trong những tấm gương trong cuộc cách mạng năng lượng bền vững. “Tôi tự hào được đóng góp vào sứ mệnh của ESB, mang lại giải pháp lưu trữ năng lượng tiên tiến, hướng đến một tương lai bền vững”, bà Duffy chia sẻ.