Chuyển đổi năng lượng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững

NDO - Trước xu hướng tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ kéo theo nhu cầu điện năng tăng cao, việc chuyển đổi năng lượng không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng

Ngày 10/7, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero với chủ đề “Triển vọng phát triển năng lượng mới - Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược hiệu quả đối với Việt Nam”.

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng và phát triển bền vững, cùng gần 200 đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp FDI và Việt Nam.

Diễn đàn đặt mục tiêu hội tụ các bên liên quan cùng cập nhật, chia sẻ, thảo luận và đánh giá rõ hơn các xu hướng, kinh nghiệm cũng như tốc độ chuyển đổi năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch của các quốc gia trên thế giới, làm cơ sở tham khảo cho Việt Nam trên hành trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (NetZero) của Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, TS Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhận định, những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng.

Chuyển đổi năng lượng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững ảnh 1

TS Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như cam kết tại COP26, đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn và có công nghệ phù hợp trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo để có thể bảo đảm cung ứng năng lượng ổn định.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 134,7 tỷ USD (13,4 tỷ USD/năm), nhưng 3 năm qua mới thực hiện được khoảng 30 tỷ USD (8,5 tỷ USD/năm). Như vậy, trong 6,5 năm còn lại phải đầu tư tới 105 tỷ USD (16,1 tỷ USD /năm) là thách thức rất lớn.

Trong khi đó, quy định pháp luật hết sức cần thiết về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); cơ chế phát triển điện gió ngoài khơi; khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (hướng tới mục tiêu năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu)... chưa được ban hành…

Cần thiết phải chuyển đổi sang năng lượng xanh, sạch

Chuyển đổi năng lượng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững ảnh 2

TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Việt Nam đã có thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và đang nổi lên là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á và trên thế giới.

Xu hướng tăng trưởng dự kiến sẽ vẫn được tiếp tục, thúc đẩy nhu cầu năng lượng. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, mở rộng sản xuất và sự phát triển của tầng lớp trung lưu dẫn đến nhu cầu năng lượng liên tục tăng cao.

Theo dự báo, trong những năm tới, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng khoảng 8-10%/năm. Trong khi đó, các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần cạn kiệt và gây hại cho môi trường.

Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững, đồng thời làm gia tăng áp lực phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế.

Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới thực hiện mục tiêu NetZero của Việt Nam, lĩnh vực năng lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi phát thải từ lĩnh vực năng lượng năm 2018 chiếm 68% lượng phát thải khí nhà kính quốc gia.

Theo Chiến lược quốc gia biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đến năm 2030, phát thải từ lĩnh vực năng lượng cần giảm 32,6% so với kịch bản phát triển thông thường với lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) và đến năm 2050, giảm 91,6% với lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2tđ.

Chính vì vậy, TS Tạ Đình Thi nhấn mạnh, chuyển đổi năng lượng không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Hoàn thiện quy định pháp luật liên quan chuyển đổi năng lượng

Chuyển đổi năng lượng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững ảnh 4

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Tại diễn đàn, các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp đã phân tích những khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, chuyển dịch sang năng lượng sạch, đồng thời thảo luận về những cơ hội cũng như những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, tìm cách giải quyết để phát triển nguồn năng lượng mới trong thời gian tới.

Diễn đàn cũng bàn luận các vấn đề về xu hướng sử dụng năng lượng LNG trên thế giới và hiện trạng của Việt Nam; thực tế triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam; tiềm năng và thách thức trong phát triển các nguồn năng tái tạo; đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới.

Đặc biệt các chuyên gia, tổ chức nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đi trước, đồng thời đưa ra khuyến nghị cho lộ trình chuyển dịch năng lượng hiệu quả của Việt Nam.

Chuyển đổi năng lượng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững ảnh 5

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để hoàn thiện quy định pháp luật liên quan chuyển đổi năng lượng, cần sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để có cơ sở pháp lý cho triển khai các nguồn điện chạy nền và nguồn năng lượng tái tạo.

Trong đó, cần thiết ban hành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; về huy động các nguồn điện linh hoạt; khung giá mua bán điện với hệ thống pin lưu trữ (BESS) và thủy điện tích năng.

Về công tác triển khai, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng các bộ, ngành cần hỗ trợ các địa phương thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo, thí điểm sớm triển khai dự án điện gió ngoài khơi với cơ chế đặc thù, cũng như tăng cường nguồn điện nền (thay thế điện than) thông qua việc thí điểm áp dụng hợp đồng mua bán điện với một số dự án điện LNG, nghiên cứu thí điểm đầu tư một số cơ sở sản xuất năng lượng mới như hydrogen xanh, amoniac xanh, nhiên liệu sinh học tổng hợp.