Ðảng ta vĩ đại là vì cái gì ?

Về Ðảng ta, tại Ðại hội II của Ðảng, tháng 2-1951, Bác Hồ nói: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc".

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các Anh hùng và Chiến sĩ thi đua nông nghiệp (27-5-1957).   Ảnh Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các Anh hùng và Chiến sĩ thi đua nông nghiệp (27-5-1957).   Ảnh Tư liệu

Chín năm sau, tháng 2-1960, tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ðảng, Bác nói: "Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Ðảng ta thật là vĩ đại!".

Vĩ đại vì Ðảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động. Vì Ðảng ta từ ngày mới ra đời, liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Vì Ðảng ta đang lãnh đạo nhân dân thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống vui tươi, no ấm và mỹ tục thuần phong...

Tám năm sau nữa, tháng 6-1968, tại buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên truyền Trung ương Ðảng về việc làm và xuất bản loại sách Người tốt, việc tốt, Bác nói: "Các chú vẫn thường nói: nhân dân ta rất anh hùng, ra ngõ gặp anh hùng... Có thể nói mỗi nhà đều có anh hùng, như thế ra ngõ mới gặp anh hùng chứ!".

Về tập thể anh hùng của dân tộc ta, Bác nói: "Có tập thể vĩ đại ấy mới có Ðảng ta vĩ đại, mới có Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, mới có kháng chiến chống Pháp thành công, mới có sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước được cả thế giới khen ngợi".

Bác đặt câu hỏi và tự trả lời: "Các chú có biết rằng dân tộc ta vĩ đại, Ðảng ta vĩ đại, ta được anh em bầu bạn khắp năm châu yêu mến và ca ngợi là vì cái gì không?

Vì cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta do Ðảng ta lãnh đạo là chí công vô tư, mình vì mọi người.

Từ nay về sau, nhân dân ta và Ðảng ta phải giữ gìn và phát huy mãi mãi đạo đức trong sáng ấy".

Bác căn dặn: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Cho nên trong khi ta kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, làm cho văn minh chiến thắng bạo tàn thì đồng thời phải loại trừ những cái xấu xa do chế độ cũ để lại trong xã hội và trong mỗi con người".

Tháng 2-1969, nhân kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Ðảng, Bác viết bài "Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân" đăng trên Báo Nhân Dân. Bác viết:

"Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Ðảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ.

Ðó là một cách thiết thực để kỷ niệm ngày thành lập Ðảng ta, Ðảng vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân anh hùng của chúng ta".

Ngày 2-9-1969, đúng ngày mà 24 năm trước, Bác đọc Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã đi xa, để lại Di chúc thiêng liêng, trước hết nói về Ðảng: "Ðảng ta là một Ðảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

Nói về sự vĩ đại của Ðảng, Bác Hồ dùng những lời dung dị nhưng ý tứ thật sâu xa.

Ðảng ta vĩ đại là vì cái gì?

Và: Ðể luôn xứng đáng với hai từ vĩ đại cao quý ấy, Ðảng ta phải làm gì? Tôi xin được ghi lại sau đây lời căn dặn của Bác: Ðể Ðảng ta luôn xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân, thì "việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Ðảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân" (bản thảo Di chúc viết tháng 5-1968).

Lời căn dặn của Bác là tâm nguyện của Ðảng, của dân.

Bước vào thời kỳ cách mạng mới, bốn mươi năm qua, đặc biệt trong gần 30 năm đổi mới, Ðảng ta luôn coi xây dựng, chỉnh đốn Ðảng là nhiệm vụ then chốt.

Cương lĩnh của Ðảng nêu rõ: Sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sức mạnh của Ðảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên...

Nghị quyết Ðại hội XI (năm 2011) nhận định rằng, trong những năm qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng được tăng cường và đạt một số kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục. Trong thời gian tới cần tập trung những cố gắng lớn vào việc xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng.

Cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội XI, Hội nghị T.Ư 4 đã bàn và ra Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay". Nhấn mạnh rằng: "Công tác xây dựng Ðảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Ðảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự tồn vong của chế độ". Nổi lên ba vấn đề cấp bách mà cấp bách nhất là: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo quản lý, kể cả một số cán bộ lãnh đạo cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc. Hội nghị T.Ư 4 chủ trương "tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách", trong đó, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... được coi là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Mục tiêu chung đề ra cho việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 là: "Phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Ðảng nhằm xây dựng Ðảng ta thật sự là Ðảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, củng cố niềm tin trong Ðảng và nhân dân...".

Nhìn lại bốn năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI, trong đó có ba năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, về xây dựng Ðảng, chúng ta cần đánh giá một cách khách quan, thấy rõ quyết tâm, những cố gắng và kết quả tích cực đạt được trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, mặt khác cũng thấy những gì đã làm và đạt được là chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu và lòng mong muốn, thậm chí còn một khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra.

Ai cũng hiểu những nhiệm vụ về xây dựng Ðảng do Ðại hội XI và Hội nghị T.Ư 4 nêu lên không phải là việc chỉ làm trong một nhiệm kỳ hay một vài năm là xong. Nhưng nếu cứ để kéo dài tình trạng mỗi lần kiểm điểm thi hành nghị quyết lại một lần nhắc lại rằng những yếu kém, khuyết điểm này hay khác "chậm được khắc phục", hoặc "có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng" thì khó tránh khỏi rơi vào trì trệ, giẫm chân tại chỗ. Tin rằng, trong năm 2015, việc tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, sẽ là cơ hội tốt để tạo nên một cú huých mới cho toàn bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng.

Trở lại chủ đề của bài viết này, mỗi người chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại lời Bác dặn: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".