Nhận thức đúng về mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín

Theo dõi thông tin các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xử lý kỷ luật cán bộ, thấy rõ công tác kiểm tra, giám sát ngày càng chặt chẽ, kỷ luật của Đảng ngày càng nghiêm minh.
0:00 / 0:00
0:00
Tại kỳ họp thứ 24, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao và một số đảng viên vi phạm. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Tại kỳ họp thứ 24, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao và một số đảng viên vi phạm. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Từ thực tế ấy, mừng là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, góp phần làm trong sạch đội ngũ, giữ gìn được uy tín của Đảng; song đáng buồn là niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị bị giảm sút, từ đó ảnh hưởng tới vai trò lãnh đạo, điều hành của bộ máy, nhất là cấp cơ sở.

Liên hệ thực tiễn hiện nay với bài viết “Chức vụ và uy tín” đăng trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi càng thấy thấm thía những quan điểm rất sâu sắc.

Tổng Bí thư viết: Uy tín không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với chức vụ. Thực tế đã chẳng có những người ở cương vị khá cao, thậm chí rất cao nhưng lại không có uy tín hoặc uy tín quá thấp đó sao? Ở nơi này, nơi nọ đã chẳng có những “thủ trưởng” nói mà quần chúng, cấp dưới không muốn nghe, thậm chí còn bị quần chúng chê trách, muốn “tẩy chay” đó sao? Rõ ràng, giữa chức vụ và uy tín có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nương tựa vào nhau nhưng không phải là một.

Theo ý nghĩa nào đó, có thể hiểu mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín như mối quan hệ giữa hình thức và nội dung. Chức vụ là hình thức, còn uy tín là nội dung. Chức vụ là điều kiện khách quan để củng cố và nâng cao uy tín, trong khi uy tín là cái quyết định sự tồn tại của chức vụ. Nếu uy tín mất đi thì theo quy luật thông thường, chức vụ trước sau cũng sẽ mất theo.

Bởi lẽ đó mà công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ngày càng được quy định chặt chẽ nhằm tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên, bảo đảm phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nêu rõ: Quy định này áp dụng đối với tổ chức đảng và đảng viên, bao gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể hoặc thay đổi do chia tách, sáp nhập về mặt tổ chức; đảng viên đã chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu.

Với quy định này, sẽ không còn có chuyện “hạ cánh an toàn”, cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức vụ phải có trách nhiệm cao hơn và trách nhiệm đến tận cùng với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

Thực hiện đúng quy định thì những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời được xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Và nhiều quy định khác liên quan tạo nên quy trình chặt chẽ trong đánh giá, sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của nhân dân.

Thế nhưng không phải người cán bộ nào cũng nhận thức được đầy đủ những vấn đề nêu trên.

Số lượng cán bộ, đảng viên bị kỷ luật trong thời gian qua cho thấy vẫn có nhiều người coi thường việc giữ gìn, xây dựng uy tín hoặc lầm tưởng cứ có chức vụ là có uy tín, không cần phải cố gắng nữa, cho nên thiếu cảnh giác với chính mình, buông thả, chủ quan trong công tác, không học tập, rèn luyện, không khiêm tốn, không dân chủ khi bàn bạc công việc, cá nhân, độc đoán, thích người khác trọng vọng, quỵ lụy mình…

Từ đó mà họ dần dẫn tới phạm sai lầm, không chỉ làm mất uy tín cá nhân mà còn làm tổn hại đến thanh danh của Đảng.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, uy tín là sự phản ánh phẩm chất và năng lực của một người, do đó tất yếu nó phải do phẩm chất và năng lực quyết định. Nó phải là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố thuộc về sự nỗ lực chủ quan của một người, trong đó nổi bật nhất, quan trọng nhất là các yếu tố: Sự gương mẫu, gương mẫu đến mực thước về các mặt, đặc biệt là về mặt chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có lối sống trong sạch, tận tụy hy sinh vì tập thể; có tầm hiểu biết rộng lớn, bao gồm nhãn quan chính trị, trình độ nhận thức và vốn sống; có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, thể hiện ở chỗ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; liên hệ chặt chẽ và có mối quan hệ đúng đắn với quần chúng, trước hết là những người cùng công tác hoặc có quan hệ trực tiếp với mình. Không có những yếu tố đó, người lãnh đạo không thể có uy tín được.

Thiết nghĩ, những yếu tố nêu trên cần được quán triệt sâu sắc gắn với thực hiện nghiêm các quy định hiện nay của Đảng liên quan đến công tác cán bộ, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bài viết mặc dù ra đời đã từ lâu nhưng vẫn nguyên tính thời sự và có nhiều điều để suy ngẫm, rút kinh nghiệm trong quá trình làm công tác cán bộ hiện nay.

NGUYỄN TRUNG THỰC (Phường Sông Cầu, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn)