Đăng ký xét tuyển trực tuyến, trên cùng một hệ thống

NDO -

Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và các trường trong xét tuyển thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tuyển sinh năm 2022. Đó là nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 16/3.

Hội nghị tuyển sinh năm 2022.
Hội nghị tuyển sinh năm 2022.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác tuyển sinh năm 2022 từng bước được bổ sung hoàn thiện quy chế, quy trình, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường và thí sinh, bảo đảm quyền lợi của các bên. 

Các cơ sở đào tạo cũng có bước điều chỉnh phương án, chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành, nhưng phân bổ chỉ tiêu không hợp lý, hoặc tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố, dẫn đến thiếu công bằng đối với thí sinh, gây hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Điển hình là việc điểm trúng tuyển cao bất thường, thí sinh 30 điểm cũng không đỗ vào ngành học đã lựa chọn. Do áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm, mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo lớn. Nhiều trường tuyển sinh ko bảo đảm sơ tuyển khiến thí sinh ngỡ trúng tuyển lại không; xét tuyển quá nhiều chỉ tiêu phương thức này nhưng lại hạn chế với phương thức khác. 

Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, để khắc phục những hạn chế trong công tác tuyển sinh, năm 2022 sẽ tận dụng triệt để ứng dụng nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác đăng ký xét tuyển, xét tuyển và trao đổi dữ liệu. 

Trong đó, dự kiến thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ở tất cả các phương thức xét tuyển bằng hình thức trực tuyến trên cùng một hệ thống; đăng ký xét tuyển không giới hạn số lần trong thời gian quy định. Các sở giáo dục và đào tạo cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và tuyển sinh để các cơ sở đào tạo sử dụng làm căn cứ xét tuyển theo kết quả học tập. 

Tại Hội nghị, phần lớn ý kiến thảo luận của các trường đại học, các sở giáo dục và đào tạo đều đồng tình với việc tăng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tuyển sinh. GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương xây dựng phần mềm tuyển sinh trực tuyến là hợp lý; nhất là việc xét tuyển, xác nhận nhập học trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho cả thí sinh và các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, ông Đức cũng đề nghị, trong quá trình xét tuyển cần có sự hỗ trợ của đơn vị chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo như Cục công nghệ thông tin, Vụ giáo dục Đại học…

Phó Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trung Kiên cũng cho rằng, những điểm mới dự kiến trong tuyển sinh năm 2022 là phù hợp. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành quy chế tuyển sinh để các trường triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho thí sinh.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, từ năm 2016 đã có những đổi mới tuyển sinh, cải tiến xét tuyển, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học đạt được kết quả bước đầu. Năm 2021 trong điều kiện dịch bệnh, phải tổ chức 2 đợt thi tốt nghiệp THPT với nhiều diễn biến phức tạp nhưng công tác tuyển sinh vẫn đạt được kết quả tốt. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đồng hành hỗ trợ cơ sở giáo dục đại học tạo điều kiện tối đa cho thí sinh. 

Năm 2022, ngành Giáo dục sẽ tập trung chính vào giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trao đổi dữ liệu để thí sinh đăng ký dự thi, nộp các hồ sơ minh chứng đơn giản hơn, có cơ hội lựa chọn tốt hơn; các trường đại học chọn được thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo hơn…