Dâng hương tưởng niệm 55 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ

NDO - Sáng 16/3, tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi), tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 55 năm ngày 504 đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát (16/3/1968-16/3/2023)
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi lễ tưởng niệm 504 đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát.
Quang cảnh buổi lễ tưởng niệm 504 đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát.

Dự lễ có các đồng chí: Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi; Đinh Thị Hồng Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo thành phố Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh; các nạn nhân còn sống sót sau vụ thảm sát cùng đông đảo người dân.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng tưởng vọng lại vụ thảm sát Sơn Mỹ.

Dâng hương tưởng niệm 55 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ ảnh 1

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thành kính dâng hương trước Tượng đài Sơn Mỹ.

Vào ngày này, đúng 55 năm về trước, tại làng quê Sơn Mỹ, chỉ trong một buổi sáng, 504 người dân Sơn Mỹ, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em đã bị sát hại.

Sau buổi sáng kinh hoàng ngày 16/3/1968, Sơn Mỹ trở thành nỗi đau khôn nguôi của nhân dân Việt Nam và những người có lương tri trên trái đất. Vụ thảm sát đã gây chấn động dư luận thế giới về tội ác chiến tranh, tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ngay trên đất Mỹ.

Thảm sát Sơn Mỹ không phải là vụ việc duy nhất, nhưng là vụ việc điển hình cho những tội ác dã man, tàn bạo mà các thế lực hiếu chiến gây ra cho nhân dân Quảng Ngãi, nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chính nghĩa, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

“Giờ đây, vấn đề Sơn Mỹ không còn là sự tranh cãi về những gì đã diễn ra, những gì đã được phơi bày, mà là làm thế nào để bóng đen ở Sơn Mỹ, nỗi kinh hoàng ở Mỹ Lai 55 năm về trước, vĩnh viễn không bao giờ lặp lại bất cứ nơi đâu trên trái đất này”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ và cho biết thêm, sau ngày đất nước hòa bình, người dân Sơn Mỹ đã nén nỗi đau thương tột cùng, biến nỗi đau thành động lực để đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước; đẩy mạnh vun đắp tình hữu nghị, vì hòa bình và sự tiến bộ của nhân loại.

Dâng hương tưởng niệm 55 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ ảnh 2

Các bức ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ của tác giả Ronald L.Haeberle đã được trưng bày trở lại tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ.

Trong âm vang của tiếng chuông được gióng lên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cùng các đại biểu, các nạn nhân còn sống sót và người dân dành một phút mặc niệm, thành kính dâng hương, dâng hoa lên trước Tượng đài Sơn Mỹ, tưởng nhớ, cầu nguyện cho linh hồn 504 thường dân vô tội được siêu thoát và ước vọng về một thế giới hòa bình-nền tảng lâu dài cho một tương lai bền vững.

Sau lễ tưởng niệm, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và các đại biểu đã tham quan tại Nhà trưng bày của Khu Chứng tích Sơn Mỹ, nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật, tư liệu về vụ thảm sát Sơn Mỹ cách đây 55 năm.

Tại đây, hiện đã trưng bày trở lại các bức ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ của tác giả Ronald L.Haeberle, sau khi ông Ronald L.Haeberle và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ngãi ký kết thỏa thuận về giấy phép sử dụng ảnh, giải quyết vấn đề về bản quyền tác giả bức ảnh mà từ khi các bức ảnh được trưng bày tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ (từ năm 1978 đến nay), làm cơ sở trưng bày lâu dài các bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ, phục vụ nhân dân, du khách.