Trưng bày vô thời hạn các bức ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ của tác giả Ronald L. Haeberle

NDO - Chiều 15/3, tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi), Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo cung cấp thông tin nội dung thỏa thuận về Giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L.Haeberle về vụ thảm sát Sơn Mỹ xảy ra vào ngày 16/3/1968.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Tại cuộc họp báo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết, với thiện chí, thấu đáo, mềm dẻo, tôn trọng sự thật lịch sử, khoa học, bảo đảm phù hợp với pháp luật của quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết, ngày 8/3 vừa qua, các bên liên quan tham gia đã ký kết thỏa thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle, nhiếp ảnh gia, tác giả bộ ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ.

Đây là sự thành công của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ngãi, giải quyết vấn đề về bản quyền tác giả bức ảnh mà từ khi các bức ảnh được trưng bày tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ (từ năm 1978 đến nay), làm cơ sở trưng bày lâu dài các bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ, phục vụ nhân dân, du khách và thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ mai sau.

Theo đó, Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ được trưng bày vô thời hạn các bức ảnh của tác giả Ronald L.Haeberle về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Trong đó, tất cả các bức ảnh màu, các bức ảnh đen và trắng được chú thích: Ảnh do Ronald L. Haeberle chụp; bức ảnh màu Hai đứa trẻ được chú thích: “A young boy tries to shield his sister from bullets” (Đứa bé trai cố che đạn cho em gái) - Ảnh do Ronald L. Haeberle chụp.

Trưng bày vô thời hạn các bức ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ của tác giả Ronald L. Haeberle ảnh 1

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao thư cảm ơn cho ông Ronald L.Haeberle tại buổi làm việc vào chiều 8/3.

Vụ thảm sát Sơn Mỹ xảy ra ngày 16/3/1968 đã cướp đi sinh mạng của 504 thường dân Sơn Mỹ. Việc ông Ronald L. Haeberle công bố các bức ảnh chụp trong vụ thảm sát Sơn Mỹ ra ánh sáng (trên Tạp chí Life năm 1969) cho thấy ông là người coi trọng sự thật, biết lên án tội ác của quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam.

“Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng tác giả, không xuyên tạc, không nói những nội dung không có bằng chứng xác thực; thuyết minh cần bảo đảm trung thực, khách quan, có căn cứ lịch sử về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Mọi hành vi phỉ báng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với tác giả đều xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.