Phát triển đảng từ nguồn người có uy tín

Chuyện về công tác xây dựng, phát triển Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) các tỉnh Tây Nguyên hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Đã có nhiều kiến nghị, lắm giải pháp nhưng tỷ lệ phát triển đảng ở khu vực này vẫn còn khá ít ỏi mà nguyên nhân thì chỉ có một: “thiếu nguồn”.
0:00 / 0:00
0:00

Ở Lâm Đồng, tỉnh có hơn 1,25 triệu người, trong đó tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 24%. Đảng viên là người đồng bào DTTS có 4.368 người, chỉ chiếm hơn 10% tổng số đảng viên toàn tỉnh.

Nhiều năm qua, việc phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn. Hằng năm, số đảng viên mới kết nạp dưới mức 160 người. Nguyên nhân cơ bản là do con em đồng bào lớn lên đi làm xa, phần lớn số ở nhà có trình độ không đạt chuẩn.

Vì chú trọng lực lượng trẻ và chưa linh hoạt trong tạo nguồn cho nên Lâm Đồng đã vô tình “bỏ quên” đội ngũ người có uy tín vùng đồng bào DTTS, với con số hằng năm khoảng 500 người gồm: Già làng, nhân sĩ, trí thức. Họ đều là những người có tiếng nói “trọng lượng” đối với dòng tộc, có phạm vi ảnh hưởng trong buôn, làng, xã, huyện…

Trước đây, già làng đóng vai trò rất lớn trong đời sống vùng đồng bào DTTS; ngày nay còn có thêm vai trò của lực lượng người có uy tín. Người có uy tín có thể là già làng, là trưởng thôn, trưởng bản, là cán bộ, chức sắc, họ cũng có thể là người dân bình thường, nhưng sản xuất giỏi, biết làm giàu chân chính, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Thực tế, đã có những tác động tích cực của người có uy tín đối với đời sống chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội, nhất là trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; giữ gìn bản sắc văn hóa; giải quyết các vụ việc phức tạp ở cơ sở; tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Họ là lực lượng nòng cốt ở cơ sở, nối liền giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân địa phương và ngược lại.

Tuy nhiên, điều đáng nói là đội ngũ này chưa được quan tâm trong công tác phát triển đảng vùng đồng bào DTTS. Chính vì vậy mà rất ít người có uy tín vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, hay được dự nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng.

Một đảng viên người dân tộc thiểu số đề xuất: “Công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc nên quan tâm đến đội ngũ người có uy tín. Họ là những người khả năng tuyên truyền tốt, có uy tín với đồng bào. Tôi nghĩ, đồng bào tín nhiệm người có uy tín tức là tín nhiệm Đảng...”.

Nhiều năm rồi, ta cứ loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán phát triển, xây dựng Đảng vùng đồng bào DTTS nhưng chưa hiệu quả. Có một giải pháp có thể thử nghiệm, ứng dụng đại trà nếu thành công chính là khai thác hiệu quả nguồn nhân lực từ người có uy tín với mô hình vừa bí thư chi bộ, vừa già làng.