Đác Lắc khẩn cấp phòng chống bệnh uốn ván sơ sinh

NDO -

NDĐT - Ngày 24-2, Sở Y tế Đác Lắc đã triển khai các biện pháp khẩn cấp trong công tác phòng chống bệnh uốn ván sơ sinh trên toàn tỉnh.

Một trường hợp sơ sinh mắc bệnh uốn ván đang điều trị đặc biệt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc. Ảnh: CTV.
Một trường hợp sơ sinh mắc bệnh uốn ván đang điều trị đặc biệt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc. Ảnh: CTV.

Theo Sở Y tế tỉnh Đác Lắc, tình hình uốn ván sơ sinh trên địa bàn tỉnh Đác Lắc hiện đang ở mức báo động. Trong năm 2016, toàn tỉnh không xảy ra trường hợp nào mắc uốn ván sơ sinh nhưng chỉ trong hai tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc đã có bốn trường hợp sơ sinh mắc bệnh uốn ván tại bốn xã gồm: Xã Cư Êbua thuộc TP Buôn Ma Thuột; xã Yang Réh thuộc huyện Krông Bông; thị trấn Buôn Trấp thuộc huyện Krông Ana và xã Ea Bhốc thuộc huyện Cư Kuin. Trong đó, có hai trường hợp ở xã Cư Êbua, TP Buôn Ma Thuột và Yang Réh, huyện Krông Bông đã tử vong.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Đác Lắc, nguyên nhân các trường hợp mắc uốn ván được xác định là do bà mẹ khi mang thai không tiêm phòng uốn ván hoặc tiêm nhưng không đầy đủ, khi chuyển dạ sinh con tại nhà do mụ vườn đỡ, các dụng cụ cắt rốn không bảo đảm vô khuẩn, quá trình chăm sóc sau khi sinh không bảo đảm…

Trước tình hình đó, Sở Y tế Đác Lắc yêu cầu các đơn vị y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp khẩn cấp trong công tác phòng chống bệnh uốn ván sơ sinh, như tổ chức rà soát, báo cáo thực tế về các đối tượng tiêm chủng phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 đến 35 tuổi; thực hiện tốt việc quản lý thai nghén tại trạm y tế; đẩy mạnh truyền thông tại tuyến cơ sở về làm mẹ an toàn, sinh đẻ tại cơ sở y tế, tiêm chủng phòng chống bệnh uốn ván sơ sinh… đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào các đối tượng phụ nữ đang mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cũng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về gói đẻ sạch, các biện pháp khử trùng dụng cụ cắt rốn khi có trường hợp đẻ tại nhà… ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giảm thiểu hoặc loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trong thời gian tới.