Bàn giải pháp gỡ vướng trong quản lý đất đai ở Đắk Nông

Ngày 2/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông tổ chức họp trực tuyến với các đơn vị, địa phương để nắm bắt và tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất và các vấn đề trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị bàn giải pháp gỡ vướng trong quản lý đất đai ở Đắk Nông.
Quang cảnh Hội nghị bàn giải pháp gỡ vướng trong quản lý đất đai ở Đắk Nông.

Hội nghị do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên chủ trì và được kết nối tới điểm cầu 8 huyện, thành phố và 71 xã, phường, thị trấn trên trên toàn tỉnh, nhằm triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 965, ngày 13/10/2023 về tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác ủy quyền quyết định giá đất.

Mục tiêu của Đắk Nông nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Bàn giải pháp gỡ vướng trong quản lý đất đai ở Đắk Nông ảnh 1

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, việc kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã hướng dẫn các huyện, thành phố lập, trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 và lập danh mục các dự án cần thu hồi đất. Tuy nhiên, việc triển khai công tác lập kế hoạch sử dụng đất và danh mục thu hồi đất còn chậm, khó bảo đảm phê duyệt trước 31/12/2023.

Trao đổi tại hội nghị, đại diện 4 đơn vị hành chính cấp huyện và 2 cấp xã đã nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý đất đai tại địa bàn. Trong đó, nhấn mạnh về những khó khăn vướng mắc tập trung chủ yếu về công tác áp dụng cơ sở dữ liệu, xây dựng kế hoạch sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất…

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan cũng đã trực tiếp giải đáp các khó khăn, vướng mắc được các địa phương nêu ra; đồng thời có nhiều ý kiến hướng dẫn, đóng góp nhằm tháo gỡ các khó khăn để các địa phương kịp thời xử lý trong việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm sự đồng bộ, tránh chồng chéo.

Bàn giải pháp gỡ vướng trong quản lý đất đai ở Đắk Nông ảnh 2

Đến hết tháng 10 vừa qua, thu tiền sử dụng đất năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đạt rất thấp, chỉ với hơn 31% so với kế hoạch.

Theo đánh giá, tình hình thu tiền sử dụng đất năm 2023 của Đắk Nông đạt rất thấp. Đến hết tháng 10 vừa qua, toàn tỉnh chỉ đạt hơn 31% so với kế hoạch.

Có 2/8 địa phương thu tiền sử dụng đất vượt là Tuy Đức (đạt trên 142%) và Đắk Song (đạt trên 162%); các địa phương còn lại đạt rất thấp, điển hình như thành phố Gia Nghĩa (đạt gần 17%), Đắk Glong (đạt hơn 22%), Đắk Mil (đạt gần 28%)…

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương hiện nay còn chậm, dẫn đến việc các thông tin về đất đai chưa được minh bạch. Nhiều cán bộ phụ trách lĩnh vực đất đai còn sợ trách nhiệm, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, phát sinh các ý kiến trái chiều, bức xúc.

Bàn giải pháp gỡ vướng trong quản lý đất đai ở Đắk Nông ảnh 3

Tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi việc thu tiền sử dụng đất, chủ động xây dựng nguồn lực của đất đai, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên nhấn mạnh, đất đai là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội nhưng cũng là mảng phức tạp.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực này cần phải cương quyết cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, phải công bằng, công khai và dân chủ.

Các cấp phải thay đổi thái độ trên tinh thần phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Với trách nhiệm của mình, thủ trưởng các đơn vị, địa phương phải quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi việc thu tiền sử dụng đất, chủ động xây dựng nguồn lực của đất đai, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Sau hội nghị, các địa phương, đơn vị phải tạo ra sự lan tỏa, truyền cảm hứng, kịp thời triển khai các giải pháp đồng bộ để xử lý tốt hơn những vấn đề còn vướng trong lĩnh vực đất đai. Từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở phải quyết tâm, đoàn kết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Cán bộ phải “dám nghĩ, dám làm” vì lợi ích chung, vì quyền lợi của người dân.