Tham dự có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Tỉnh trưởng tỉnh Mondulkiri - Vương quốc Campuchia và các thành viên trong đoàn,...
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh nhấn mạnh, thời điểm tái lập tỉnh, Đắk Nông là một trong những địa phương nghèo, với xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém, tiềm năng thế mạnh của tỉnh chưa được khai thác, an ninh nông thôn tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn. Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, vượt khó, đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông qua các nhiệm kỳ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra quyết sách đúng đắn, huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khơi dậy khát vọng vươn lên của nhân dân các dân tộc, tạo đà đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững.
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, Đắk Nông đã thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo chưa phát triển, đạt những thành quả mang ý nghĩa quyết định trên hành trình xây dựng và phát triển, với những dấu ấn nổi bật như: tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao, quy mô tổng sản phẩm gấp 12 lần, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội gấp 20 lần; thu nhập bình quân đầu người gấp 13 lần so với thời điểm tái lập tỉnh năm 2004. Tiềm lực, vị thế của Đắk Nông được khẳng định, đời sống nhân dân các dân tộc không ngừng được cải thiện…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương những kết quả, thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông đã đạt được trong 20 năm xây dựng và phát triển, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào thành tựu gần 40 năm đổi mới của đất nước.
Đồng thời đồng chí đề nghị Đảng bộ tỉnh Đắk Nông quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; luôn thấm nhuần và quán triệt sâu sắc quan điểm “phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên” trong hoạch định chiến lược, tầm nhìn phát triển của tỉnh. Huy động tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên của nhân dân các dân tộc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Khẩn trương triển khai Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bằng các chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ cụ thể, bảo đảm sự nhất quán trong tư duy, tầm nhìn phát triển và triển khai công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới, phù hợp với quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên và cả nước, tạo nền tảng vững chắc để phấn đấu đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; trung tâm công nghiệp bô xít-alumin-nhôm của quốc gia, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng; phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa đặc trưng và công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh theo phương châm phát triển: “Một trung tâm - Ba cực động lực tăng trưởng - Bốn hành lang kinh tế - Bốn tiểu vùng phát triển”. Phối hợp chặt chẽ các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn. Khai thác gắn với quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, có giải pháp hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng nâng cao tỷ lệ che phủ rừng để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, lịch sử cách mạng của vùng đất và con người Đắk Nông, tạo sự phát triển hài hòa và bền vững. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, người có công. Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Là địa phương có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỉnh cần tập trung các nguồn lực chăm lo, phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện tốt các chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia vừa được Quốc hội thông qua.
Với vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, “phên dậu” của Tổ quốc, tỉnh Đắk Nông cần quán triệt sâu sắc, triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới gắn với Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và Chỉ thị 46-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; xây dựng thế trận lòng dân thực sự vững chắc ngay từ cơ sở. Nắm chắc tình hình, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, dân tộc; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tuyệt đối không để hình thành điểm nóng, tạo môi trường ổn định thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chuẩn bị tốt công tác tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2025-2030, gắn với tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, điều động, luân chuyển và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm chuẩn bị tốt công tác nhân sự cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tỉnh Đắk Nông hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên. Tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần “đi sau, vượt trước”, cùng những thành tựu đã đạt được sau 20 năm tái lập tỉnh; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông với khát vọng và quyết tâm lớn, với bản lĩnh và nghị lực, cùng sự đoàn kết, đồng lòng sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa Đắk Nông trở thành “Tỉnh mạnh-Dân giàu-Thiên nhiên tươi đẹp-Xã hội nghĩa tình”, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Cũng tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông.