Đắk Nông khuyến cáo không mở rộng diện tích sầu riêng

Những năm gần đây giá sầu riêng luôn ổn định ở mức cao, nhất là từ khi được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc thì nhiều người dân ở tỉnh Ðắk Nông đã ồ ạt mở rộng diện tích, thậm chí chặt bỏ một số cây trồng để chuyển sang trồng mới sầu riêng. Thực trạng này khiến cho thị trường cây giống khan hiếm, mất kiểm soát, phá vỡ quy hoạch, tiềm ẩn rủi ro lớn cho người trồng nếu giá sầu riêng đảo chiều và cung vượt cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Theo quy hoạch, đến năm 2025, Ðắk Nông phát triển 5.000 ha sầu riêng, nhưng hiện đã lên tới khoảng 6.500 ha.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, Ðắk Nông phát triển 5.000 ha sầu riêng, nhưng hiện đã lên tới khoảng 6.500 ha.

Phát triển nóng sầu riêng

Gia đình anh Bùi Văn Tú ở xã Kiến Thành, huyện Ðắk R’lấp có 2 ha điều kinh doanh. Do cây điều năng suất không cao, sản lượng không ổn định nên anh Tú đã phá bỏ toàn bộ diện tích vườn điều để trồng thay thế bằng 300 cây sầu riêng. Anh Tú cho biết, dù gia đình chưa có nhiều kiến thức về trồng và chăm sóc sầu riêng, nhưng anh sẽ vừa làm, vừa học. Theo anh, sầu riêng là cây trồng hiện nay đang cho giá trị kinh tế cao nên anh đã quyết định đặt toàn bộ kỳ vọng vào loại cây này. Trước mắt, anh sẽ đi làm thuê, cắt cỏ, làm công và trồng các loại cây ngắn ngày để tạo nguồn thu trong khoảng thời gian chờ đợi vườn sầu riêng cho thu nhập.

Cũng trước sức hút về thu nhập ổn định ở mức cao của trái sầu riêng, anh Lê Văn Thuyết (xã Ðắk R’Moan, thành phố Gia Nghĩa) đã phá bỏ 3 ha cà-phê kém năng suất để chuyển sang trồng thay thế 300 cây sầu riêng trên toàn bộ diện tích. Anh Thuyết cho biết, trước khi trồng sầu riêng, anh đã tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc để áp dụng vào canh tác nên sầu riêng mới trồng được gần ba năm nhưng đến nay đã phát triển khá tốt.

Tháng 7/2022, sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc nên anh Thuyết rất hy vọng trái sầu riêng sẽ làm thay đổi cuộc sống của gia đình. Vì thế, ngoài diện tích đã trồng anh dự kiến sẽ mở rộng thêm diện tích.

Không chặt trắng cà-phê để trồng sầu riêng như nhiều nông hộ khác, năm 2022 ông Vũ Văn Bàn, xã Trường Xuân, huyện Ðắk Song đã trồng xen 200 cây sầu riêng trong vườn cà-phê, với dự định tạo mô hình đa canh. Nhưng trước yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu về tiêu chuẩn sầu riêng trồng thuần, ông Bàn sẽ cắt bỏ toàn bộ cà-phê khi sầu riêng phát triển, cho quả.

Dù được cơ quan chức năng khuyến cáo về diện tích sầu riêng tăng nhanh, khả năng cung vượt cầu có thể xảy ra, rủi ro rất lớn khi mở rộng diện tích, thế nhưng ông Bàn cho biết, vẫn sẽ chặt bỏ cà-phê để trồng mới sầu riêng. Ông cho rằng, việc sản xuất hồ tiêu và cà-phê hiện nay cũng rủi ro cao, giá cả bấp bênh, chi phí đầu tư lớn, nhất là giá thuê nhân công và hàng loạt chi phí khác đều tăng khiến nhà nông thấp thỏm không kém trồng sầu riêng.

Theo quy hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh Ðắk Nông phát triển 5.000 ha sầu riêng, nhưng mới đến thời điểm này, diện tích cây sầu riêng đã lên tới khoảng 6.500 ha, vượt hơn 1.500 ha so với quy hoạch, trong đó có nhiều địa phương tăng rất nhanh. Tại huyện Tuy Ðức, năm 2010 chỉ có khoảng 127 ha sầu riêng, nhưng đến nay đã lên tới hơn 1.014 ha, chiếm 23% về diện tích cây ăn trái trên địa bàn.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Ðức Ðoàn Lê Anh cho biết, mặc dù đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân biết những thông tin cảnh báo của cơ quan chuyên môn các cấp về sản lượng sầu riêng, thị trường, diện tích quy hoạch... để nông dân ynắm bắt, nhưng trên thực tế diện tích sầu riêng tiếp tục tăng cao, vượt quy hoạch và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hội đã có nhiều hình thức tuyên truyền như thông qua sinh hoạt hội, lồng ghép các hoạt động, trên Zalo, Facebook của các chi hội, cơ sở hội... đã cảnh báo người dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà-phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, giá sầu riêng luôn ổn định ở mức cao nên người dân liên tục mở rộng diện tích…

Phạm Ðức Quyết, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ðắk Song

Những rủi ro tiềm ẩn

Ðến giữa năm 2023, diện tích sầu riêng toàn tỉnh Ðắk Nông ước đạt 6.500 ha, diện tích cho sản phẩm 2.039 ha, tổng sản lượng dự kiến đạt 23.000 tấn. Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, diện tích sầu riêng toàn tỉnh tăng 3.663 ha (năm 2020 đạt 2.837 ha), tổng sản lượng tăng 9.909 tấn (năm 2020: 13.091 tấn). Nguyên nhân diện tích sầu riêng tăng nhanh được các cơ quan chức năng xác định, do phía Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch đã tạo ra nhiều cơ hội, mang lại nhiều lợi ích cho người trồng.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, giá bán sầu riêng khá cao, hiệu quả kinh tế ổn định hơn so với một số cây trồng khác nên nông dân Ðắk Nông dần chuyển đổi sang trồng sầu riêng chuyên canh hoặc xen canh trong các vườn cây công nghiệp, mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập.

Tuy đem lại lợi nhuận, nhưng việc ồ ạt mở rộng diện tích trồng sầu riêng đang tiềm ẩn những hệ lụy khó lường. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Ðắk Nông, hiện nay diện tích, sản lượng sầu riêng đã cơ bản cân bằng với nhu cầu thị trường. Tỉnh cũng đã định hướng tập trung sản xuất sầu riêng theo hướng chất lượng cao thay vì mở rộng diện tích. Do đó, người dân tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ.

Mặt khác, những người chuyển đổi sang trồng sầu riêng chủ yếu đều chưa có kinh nghiệm, kiến thức, nên đối mặt với nhiều rủi ro; nhiều nông hộ trồng sầu riêng ở vùng không phù hợp; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng môi trường đất, chưa bảo đảm chất lượng của sản phẩm; giống cây trôi nổi, không rõ nguồn gốc dễ xảy ra dịch bệnh, khó đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Sản xuất sầu riêng của địa phương hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chủ yếu là trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, một số được xuất khẩu sang Singapore, các nước châu Âu. Hiện nay, sầu riêng đạt tiêu chuẩn, được cấp mã số vùng trồng còn thấp, toàn tỉnh mới cấp được 12 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 328,88 ha, sản lượng bình quân ước đạt 5.264 tấn.

Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Nông

Ngoài ra, cơ sở sơ chế, chế biến sầu riêng còn ít, hiện chỉ có 6 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lĩnh vực sơ chế, chế biến sầu riêng, tập trung vào công đoạn cấp đông cơm sầu riêng với công suất trung bình khoảng 150 tấn múi/cơ sở/năm.

Cùng với đó, quy định đối với sầu riêng từ thị trường nước ngoài rất nghiêm ngặt về đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm; liên quan chất lượng an toàn thực phẩm, người sản xuất phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác hữu cơ, sinh học; quản lý phòng trừ, kiểm soát sinh vật gây hại bằng các biện pháp tổng hợp ngay từ đầu vụ và trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản. Ðể bảo đảm tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu; vùng trồng phải áp dụng chung một quy trình chăm sóc và quản lý sinh vật gây hại.

Yêu cầu cho một vùng trồng sầu riêng tối thiểu là 10 ha, trong khi diện tích canh tác hiện nay tại địa phương vẫn còn ở quy mô nhỏ, chưa có nhiều trang trại lớn tập trung, để thiết lập một vùng trồng cần khoảng từ 10-50 nông dân đồng thuận tham gia liên kết và canh tác chung một quy trình kỹ thuật. Do vậy, rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tại vùng trồng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Việc tự phát mở rộng diện tích của nông dân như hiện nay sẽ mang lại nhiều hệ lụy khó lường, sản xuất thiếu bền vững, cung vượt quá cầu, người trồng phải chịu thiệt hại khi giá cả và thị trường xuất khẩu đảo chiều.