Đắk Nông cải thiện chất lượng cà-phê bằng canh tác hữu cơ

NDO - Đắk Nông là địa phương có diện tích, sản lượng cà-phê đứng thứ 3 cả nước, chỉ xếp sau Đắk Lắk và Lâm Đồng. Sản lượng cà-phê chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế việc sản xuất cà-phê vẫn còn nhiều khâu yếu, khó để phát huy được thế mạnh và nâng cao chất lượng sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm cà-phê sản xuất theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế có giá trị thị trường cao hơn sản xuất truyền thống khoảng 20.000 đồng/kg.
Sản phẩm cà-phê sản xuất theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế có giá trị thị trường cao hơn sản xuất truyền thống khoảng 20.000 đồng/kg.

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông có 137.683ha cà-phê, năng suất bình quân đạt 2,6 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 330.000 tấn. Trong đó, gần 19 nghìn ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Cụ thể, theo tiêu chuẩn VietGAP 104ha; tiêu chuẩn hữu cơ 70ha; tiêu chuẩn 4C, UTZ, Flo 18.535ha… Với giá trị thị trường cao hơn khoảng 20.000 đồng/kg so với sản xuất truyền thống.

Hiện diện tích cà-phê canh tác theo các tiêu chuẩn còn ít so với tổng diện tích của toàn tỉnh. Năng suất cà-phê Đắk Nông vẫn thấp hơn so với các địa phương khác, nhiều diện tích cà-phê vẫn đang được trồng tại các khu vực có địa hình, thổ nhưỡng chưa phù hợp; thói quen canh tác còn manh mún, nhỏ lẻ; việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá mức làm ảnh hưởng môi trường đất.

Thời gian qua, một số sản phẩm cà-phê sản xuất không theo tiêu chuẩn đã bị thị trường khu vực và thế giới từ chối xuất khẩu dẫn đến giá thấp, bấp bênh, người trồng cà-phê thua lỗ.

Để nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ngành nông nghiệp Đắk Nông đã có nhiều giải pháp hướng dẫn thay đổi nhận thức của người trồng cà-phê theo hướng sản xuất hoàn toàn bằng hữu cơ. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển hạ tầng, kỹ thuật sản xuất, chế biến để xây dựng chuỗi giá trị cà-phê chất lượng cao. Cải thiện môi trường đất, giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng và yêu cầu xuất khẩu trong khu vực và thế giới. Đồng thời nâng cao liên kết trong sản xuất, đổi mới tư duy cho người trồng cà-phê, ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm từng bước hiện đại hóa các công đoạn phơi, sấy, xay để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà-phê địa phương.