Trẻ hóa diện tích cà-phê sau tái canh

NDO - Hiện nay, các địa phương đang quan tâm thực hiện việc tái canh, ghép cải tạo cà-phê nhằm góp phần vào chương trình phát triển cà-phê bền vững. Việc tái canh cà-phê đang từng bước trẻ hóa vườn cây già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp bằng giống mới, năng suất cao hơn mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tỉnh Lâm Đồng thu hoạch cà-phê. (ẢnhMai Văn Bảo)
Người dân tỉnh Lâm Đồng thu hoạch cà-phê. (ẢnhMai Văn Bảo)

Tăng lợi nhuận sau tái canh

Hết năm 2021, cả nước có 20 địa phương trồng cà-phê, với diện tích hơn 710 nghìn ha.

Tây Nguyên là vùng sản xuất cà-phê tập trung chính của cả nước với diện tích cho thu hoạch 647,60 nghìn ha, trong đó, hơn 500 nghìn ha dưới 15 năm tuổi và đang thời kỳ khai thác. Các địa phương trồng nhiều nhất là Đắk Lắk hơn 213 nghìn ha, Lâm Đồng hơn 172 nghìn ha và Đắk Nông khoảng 135 nghìn ha. Năng suất cà-phê năm 2021 đạt 28,2 tạ/ha, sản lượng cà-phê nhân đạt khoảng 1,816 triệu tấn.

Để phát triển bền vững cây cà-phê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các quy trình kỹ thuật hướng dẫn, cơ chế, chính sách, đề tài, dự án phục vụ cho tái canh. Nhất là Đề án tái canh cà-phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020.

Giai đoạn 2014-2021, vùng Tây Nguyên có diện tích cà-phê tái canh và ghép cải tạo khoảng 129.000ha, trong đó 73,58% là diện tích trồng tái canh; lũy kế diện tích tái canh và ghép cải tạo cà-phê từ năm 2011-2021 là 166.579ha. Theo thống kê, việc tái canh, ghép cải tạo cà-phê năng suất tăng từ 24,6 tạ/ha, sản lượng 1,31 triệu tấn cà-phê nhân năm 2014 lên 28 tạ/ha và sản lượng đạt 1,642 triệu tấn năm 2020. Hiệu quả kinh tế của vườn được tái canh, ghép cải tạo tăng hơn sản xuất đại trà từ 25 đến 40 triệu đồng/ha/năm.

Tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2011-2021, trên địa bàn đã thực hiện tái canh gần 39 nghìn ha. Diện tích tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới, đã từng bước phát huy tiềm năng về năng suất và chất lượng cà-phê nhân, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hơn nữa, qua tái canh góp phần đưa năng suất cà-phê của tỉnh tăng từ 23,62 tạ/ha năm 2015 lên 26,1 tạ/ha năm 2020.

Đối với tỉnh Lâm Đồng đã triển khai chương trình tái canh, ghép cải tạo cà-phê từ năm 2006 và tập trung mạnh từ năm 2013 đến nay. Kết quả giai đoạn 2015-2021 đã thực hiện tái canh, ghép cải tạo được 59.484ha. Riêng năm 2021, thực hiện tái canh, ghép cải tạo 6.425ha.

Nhằm bảo đảm chương trình phát huy hiệu quả, tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ nhân dân kinh phí mua cây giống; đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án để tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện các mô hình tái canh, ghép cải tạo, từ đó nhân rộng mô hình ra nhiều nơi. Qua đánh giá, phần lớn các diện tích cà-phê sau tái canh, ghép cải tạo cho năng suất cao, ổn định hơn 4 tấn/ha, nhiều mô hình có năng suất từ 7 đến 8 tấn/ha.

Đưa giống có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất

Mặc dù việc tái canh, ghép cải tạo vườn cà-phê đã mang lại hiệu quả tích cực, nhưng theo Cục Trồng trọt chương trình này vẫn gặp phải những tồn tại bởi hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là nông hộ, diện tích nhỏ, manh mún và vấn đề thiếu sân phơi, nhà kho, thiết bị chế biến, thiếu nhân công, nhất là lao động thu hái, chế biến khi vào vụ thu hoạch... nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, việc tuyên truyền, hướng dẫn về kỹ thuật, thủ tục vay vốn thực hiện chưa rõ ràng, quyết liệt và thiếu sự phối hợp giữa các nhà nước, doanh nghiệp và người dân; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua cũng ảnh hưởng tới việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật tái canh, ghép cải tạo cho người dân.

Bên cạnh đó, nhân dân có khuynh hướng trồng xen và cải tạo dần mà không tái canh toàn bộ diện tích cà-phê dẫn đến khó khăn trong việc vay vốn ngân sách; hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại ngành hàng cà-phê còn nhiều hạn chế; một số doanh nghiệp kinh doanh cà-phê chưa quan tâm đến việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu bền vững; thiếu sự gắn kết trong sản xuất và chế biến, dẫn đến tình trạng người trồng cà-phê còn bị thương lái, doanh nghiệp thu mua ép giá khi vào vụ thu hoạch.

Cà-phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông, mang lại giá trị kinh tế cao. Giai đoạn 2014-2020, trên địa bàn tỉnh thực hiện tái canh được 17.182 ha cà-phê. Kết quả cho thấy, những vườn tái canh hiệu quả, được quản lý tốt về giống và kỹ thuật cho năng suất tăng gần gấp đôi so trước đây; cá biệt có một số vườn sau khi tái canh, ghép cải tạo năng suất đạt 4,5 đến 5 tấn/ha. Theo đó, những vườn sản xuất cà-phê tái canh, ghép cải tạo hiệu quả đem lại thu nhập cho nhân dân cao hơn so sản xuất đại trà từ 15 đến 60 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, việc tái canh cà-phê ở Đắk Nông còn gặp những khó khăn do một số nơi, đặc biệt là nhân dân vùng dân tộc thiểu số khi triển khai tái canh chủ yếu làm theo kinh nghiệm, dẫn đến việc tái canh hiệu quả chưa cao; việc đánh giá, rà soát diện tích cần tái canh chưa sát với tình hình thực tế. Trong đó, một số địa phương chỉ căn cứ vào năm trồng mà không căn cứ vào hiện trạng vườn cây để xây dựng kế hoạch. Hơn nữa, do nhu cầu về cây giống cà-phê trồng tái canh lớn, trong khi đó năng lực gieo ươm của đơn vị có hạn nên chưa đáp ứng được nhu cầu.

Hay tại tỉnh Lâm Đồng, diện tích cà-phê của nhiều hộ còn nhỏ lẻ, do đó việc tái canh phải theo hình thức cuốn chiếu. Bên cạnh đó, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Mặt khác, một số nông dân thực hiện hình thức tái canh nhưng áp dụng không đúng quy trình khuyến cáo. Một số hộ trồng manh mún, chỉ trồng tái canh những cây cho năng suất thấp, cây bị sâu, bệnh hại, không tái canh toàn bộ trên một diện tích cụ thể.

Tái canh cà-phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng; qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng giá trị, cho mặt hàng này.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà-phê; thu nhập sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5 đến 2 lần so trước khi tái canh.

Để thực hiện tốt chương trình thì từng địa phương tiếp tục rà soát, phân loại, xác định diện tích cà-phê già cỗi; tiếp tục có kế hoạch, giải pháp và nguồn vốn cho tái canh cà-phê theo đề án tái canh cà-phê giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, mỗi địa phương cần xác định cơ cấu giống cà-phê có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái một số tiểu vùng tái canh, ghép cải tạo, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất cà-phê; sử dụng 100% giống cà-phê có năng suất, chất lượng cao, chín đều, hoặc chín muộn để rải vụ thu hoạch, thích ứng biến đổi khí hậu trong tái canh và trồng mới; tiếp tục hoàn thiện quy trình tái canh cà-phê vối, cà-phê chè để phù hợp với điều kiện sản xuất; thực hiện canh tác theo hướng GAP, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập và bảo vệ môi trường...