Tỉnh Đắk Lắk có 71,972km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia thuộc địa bàn 4 xã của hai huyện Ea Súp và Buôn Đôn. Khu vực biên giới của tỉnh có dân số 6.720 hộ với 23.419 khẩu, gồm 26 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng dân tộc thiểu số chiếm 56,1%. Do tình hình khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, dân cư sinh sống rải rác, trình độ dân trí còn hạn chế… nên đời sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Không để nhân dân luôn sống trong cảnh khó khăn, kẻ xấu lợi dụng kích động, xuyên tạc, trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống ngay trên vùng đất phên dậu của Tổ quốc.
Ngoài thời gian công tác, Thiếu tá Từ Văn Sương thường xuyên về thăm hỏi, hướng dẫn vợ chồng ông Nguyễn Văn Triều chăm sóc đàn bò. |
Trở lại biên giới lần này vào những ngày cuối năm dưới tiết trời lạnh giá, nhưng khi được chứng kiến nhiều mô hình phát triển kinh tế thấm đậm nghĩa tình quân dân, giúp người dân có điều kiện vươn lên giữa vùng biên ải còn nhiều gian khó này, khiến lòng chúng tôi thêm ấm lại.
Theo giới thiệu của lãnh đạo xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, chúng tôi ghé thăm bà H’Nghiệp Knul ở buôn Trí B, sống neo đơn không nơi nương tựa, bản thân bị khuyết tật không thể làm nương rẫy nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Để giúp bà H’Nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, năm 2017 Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ bà cặp heo nái để làm giống và hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc, phòng bệnh, trồng rau cho heo ăn… Nghe theo lời của bộ đội, bà H’Nghiệp chăm sóc heo đúng hướng dẫn, cặp heo phát triển tốt và sinh sản đều mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 5 đến 7 con, trừ các khoản chi phí, bà H’Nghiệp cũng dành dụm được khoản tiền để trang trải hàng ngày, cuộc sống không còn khó khăn như trước đây.
Ghé thăm gia đình chị H’Vít Hwing ở buôn Trí, 1 trong 5 hộ được Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Bun Khét Lào, cán bộ Đồn Biên phòng Sê-rê-pốk phụ trách, giúp đỡ đến nay đã thoát nghèo. Chị H’Vít Hwing kể: “Gia đình mình có 5 người, trước đây thuộc diện nghèo. Từ ngày được Bộ đội biên phòng hỗ trợ, giúp đỡ, vợ chồng mình biết cách chăm sóc 2 ha rẫy trồng điều và mì (sắn), năng suất cao hơn trước đây rất nhiều nên hai năm gần đây gia đình mình đã thoát nghèo. Điều làm mình vui hơn là nghe lời bộ đội biên phòng, chồng mình bỏ hẳn nghề đi rừng mà ở nhà chăm chỉ làm ăn.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê phối hợp cấp ủy, chính quyền xã Ia R’vê, huyện Ea Súp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. |
Trung tá Vũ Văn Tín, cán bộ Đồn Biên phòng Sê-rê-pốk, tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Krông Na nhiệm kỳ 2020-2025 cho biết: Xã Krông Na có đến 99% là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, trong nhiều năm qua, các đơn vị biên phòng từ tỉnh đến các đồn và Tiểu đoàn huấn luyện-cơ động đóng quân trên địa bàn luôn chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ, chăm lo cuộc sống cho bà con. Bây giờ đến bất cứ thôn, buôn nào, vào bất kỳ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nào trong xã đều thấy những đóng góp của Bộ đội Biên phòng. Thiết thực nhất là việc phân công 15 cán bộ Bộ đội Biên phòng của các đơn vị đóng quân trên địa bàn phụ trách 65 hộ dân diện khó khăn đã giúp các hộ dân vươn lên ổn định cuộc sống…
Đến Đồn Biên phòng Ea H’leo, chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đưa về thăm gia đình ông Nguyễn Văn Triều ở thôn Dự, xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp khi trời vừa chập choạng tối. Khi chúng tôi đến, vợ chồng ông Triều vừa lùa đàn bò từ rẫy về con nào cũng béo núc. Không giấu được niềm vui, ông Triều kể: Vợ chồng ông từ tỉnh Bến Tre lên đây lập nghiệp từ năm 2004 và được cấp 2 ha đất để sản xuất. Tuy nhiên, đất đai ở đây khô cằn, thời tiết khắc nghiệt nên ông chỉ biết trồng điều, nhưng năng suất chẳng được bao nhiêu.
Sau gần 20 năm lập nghiệp cuộc sống của vợ chồng ông vẫn gặp nhiều khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo. Đầu năm 2021, gia đình ông được Thiếu tá Từ Văn Sương, Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ea H’leo hỗ trợ 9 con bò giống, trị giá gần 200 triệu đồng để chăn nuôi. Với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, thức khuya, dậy sớm chăm sóc nên đàn bò phát triển tốt.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cùng các nhà tài trợ tặng xe đạp cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”. |
Đến tháng 6/2022, thiếu tá Từ Văn Sương tiếp tục mua hỗ trợ thêm 6 con bò giống nữa cho gia đình ông Triều chăn nuôi. “Sau gần 2 năm phát triển chăn nuôi, đàn bò đã đẻ được 6 con, ngoài ra gia đình tôi còn bán được gần 20 triệu đồng tiền phân bò, giúp có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài ở vùng biên cương này”, bà Huỳnh Thị Mai Tiên, vợ ông Triều bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Từ Văn Sương chia sẻ: “Qua quá trình làm nhiệm vụ vận động quần chúng ở địa phương, thấy nhiều người dân chịu khó làm ăn nhưng do thiếu vốn nên cuộc sống gặp khó khăn. Vì vậy, tôi đã động viên vợ con sử dụng số tiền dành dụm được mua bò hỗ trợ cho vợ chồng ông Triều, bà Tiên và một hộ gia đình khác chăn nuôi. Khi các gia đình này thoát khỏi khó khăn, tôi tiếp tục hỗ trợ cho các gia đình khác để họ có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.
Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết: Xuất phát từ tình hình khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và điều kiện sản xuất của nhân dân, trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã tích cực khảo sát, tìm hiểu, xây dựng và nhân rộng các mô hình giúp nhân dân 4 xã biên giới phát triển kinh tế-xã hội. Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi nhím, bò, vịt trời, kỳ nhông, thỏ lai cao sản, bò sinh sản, heo lai thương phẩm F2, gà thả vườn, cá nước ngọt; mô hình trồng các loại cây: Trồng gừng và ớt trong bao, xoài lai trái vụ, đu đủ Thái Lan, trồng bí cao sản, cây khoai sọ, thanh long ruột đỏ... Đặc biệt là mô hình trồng cây lúa nước từ sản xuất 1 vụ thành 2 vụ trên cánh đồng 30ha tại buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Bộ đội Biên phòng đã phối hợp xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, đắp bờ vùng, bờ thửa, khai hoang mở rộng diện tích cho cánh đồng, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất... giúp bà con dân tộc thiểu số buôn Đrăng Phốk sản xuất hiệu quả, giải quyết được tình trạng đói giáp hạt bao đời nay.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk tặng quà cho các “Con nuôi đồn Biên phòng”. |
Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk còn triển khai nhiều mô hình, việc làm thiết thực, hiệu quả giúp nhân dân các xã biên giới như: Làm mới sân, sửa chữa trường học tại buôn Drang Phốk trị giá 120 triệu đồng và xây tặng 1 nhà văn hóa cộng đồng trị giá 150 triệu đồng; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ kinh phí xây dựng và bàn giao sử dụng 201 căn nhà thuộc Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”… cho các hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, tổng trị giá gần 10 tỷ đồng; tặng 10 sổ tiết kiệm cho người cao tuổi, cô đơn, không nơi nương tựa tổng trị giá 135 triệu đồng; xây dựng được 24 công trình dân sinh trên địa bàn các xã biên giới gồm: 19 giếng khoan, 3 phòng học, 3 phòng khám quân-dân y kết hợp, trị giá hơn 3 tỷ đồng; trao tặng 103 con bò giống trị giá hơn 1 tỷ đồng; trao tặng 1.743 suất quà, 5 công trình “Nước ngọt vùng biên” và hỗ trợ vốn sản xuất cho các hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền hàng tỷ đồng…
Không chỉ giúp nhân dân phát triển kinh tế, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk còn chia sẻ gánh nặng với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong việc chăm sóc, giúp con em họ tiếp tục được đến trường học tập.
Thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đóng góp kinh phí để hỗ trợ cho 40 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/em/tháng, trong đó có 22 em là người dân tộc thiểu số; tạo điều kiện về nơi ăn, ở và hỗ trợ, giúp đỡ việc học hành đối với 4 “Con nuôi đồn Biên phòng”; phối hợp ngành giáo dục vận động, tổ chức mở được 7 lớp xóa mù chữ cho 225 học viên trên địa bàn…
Đáp lại sự quan tâm hỗ trợ của Bộ đội biên phòng, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk tích cực tham gia các phong trào, mô hình bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh trật tự khu vực biên giới do Bộ đội Biên phòng phát động như phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới”; “Cán bộ, đoàn viên, thanh niên không vi phạm pháp luật”; “Thôn, buôn không có người vượt biên trái phép”; “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”…
Đến nay, tất cả 38 thôn, buôn ở khu vực biên giới của tỉnh đã có 489 hộ gia đình và 1.569 cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực từ trái tim của người lính, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk không chỉ tạo được niềm tin, hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân biên giới mà còn góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân vùng biên xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc, chung sức, đồng lòng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia.