Sáng 29-2, hơn 200 người dân đã được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám và sàng lọc miễn phí các bệnh về thận như suy thận, thận đa nang, viêm cầu thận mạn, nhiễm trùng tiết niệu.
TS Nguyễn Thế Cường, Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, song ước tính có khoảng năm triệu người bị bệnh thận và hàng năm có khoảng tám nghìn ca bệnh mới.
Chỉ tính riêng người bệnh suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu là khoảng 800 nghìn người, chiếm 0,1% dân số. Nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường. Tiến triển của bệnh thận mãn tính rất dễ dẫn đến suy thận mãn tính, làm mất chức năng thận khiến cho người bệnh phải dùng các biện pháp điều trị thay thế.
TS Cường cho biết, nhóm người trẻ làm dân văn phòng, ít vận động có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tiết niệu hơn. “Ngồi nhiều, ít vận động, lưu thông mạch máu kém có thể dẫn tới bị ứ đọng nước tiểu dẫn tới nhiễm trùng bàng quang”, TS Cường cho hay.
Đặc biệt, nữ giới có cấu tạo đường niệu đạo ngắn hơn, lại có thói quen nhịn tiểu nhiều so với nam giới nên nguy cơ viêm đường tiết niệu nhiều hơn.
Một trong những lý do tỷ lệ tái nhiễm trùng tiết niệu hoặc bị viêm tiết niệu, viêm bàng quang mãn tính là do hiện nay, nhiều người bệnh có triệu chứng không đi khám, không được kê đúng đơn thuốc. Khi tự ý mua thuốc, thấy hết triệu chứng viêm, bỏ dở liều thuốc khiến cho nhiều người bị kháng kháng sinh, lâu này dẫn tới viêm đường tiết niệu mãn tính, viêm niệu đạo, viêm bàng quang mãn tính.
Hai trăm bệnh nhân được khám và tư vấn miễn phí.
TS Cường cũng cảnh báo, hiện nay nhiều đàn ông nghĩ rằng uống rượu bia nhiều, tiểu nhiều sẽ tốt hơn cho đường tiết niệu nhưng thực tế, uống nhiều rượu bia làm tăng các rối loạn về chuyển hóa, gây ra nhiều nguy cơ đối với thận. Người bình thường uống nhiều bia rượu có thể bị rối loạn về chuyển hóa mỡ, đường và chuyển hóa axit uric, làm tăng nguy cơ các bệnh lý đường tiết niệu.
Hiện tại, khoa Thận lọc máu hiện đang quản lý hơn 160 bệnh nhân chạy thận, số có nhu cầu ghép thận và có chỉ định khoảng 60%. Ngoài ra, khoa đang quản lý hơn 700 bệnh nhân sau ghép thận. Có người lâu nhất đang theo dõi ở khoa là ghép được 21 năm.
TS Cường khuyến cáo, người dân nên uống ít nhất 1,5 lít nước hằng ngày. Người vận động ra nhiều mồ hôi nên uống nhiều nước hơn.
“Viêm đường tiết niệu có thể gây ra nhiễm trùng nặng, gây ra tình trạng sốc nhiễm trùng, nguy hiểm cho tính mạng. Vì thế, dân văn phòng nên chú ý thi thoảng đứng dậy vận động trong lúc làm việc. Nữ giới tốt nhất không nên nhịn tiểu, dễ gây ra viêm đường tiết niệu. Mọi người cần có một lối sống tốt, vận động thể thao. Nếu đã mắc bệnh thận mãn tính phải kiểm soát để không làm cho bệnh thận tiến triển nhanh dẫn tới lọc máu chạy thận”, BS Cường nói.