Đắk Lắk phòng, chống dịch thủy đậu

Từ đầu năm đến nay, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tám ổ dịch bệnh thủy đậu xảy ra trên địa bàn sáu xã thuộc bốn huyện, thành phố với 126 trường hợp mắc bệnh, tăng 39 trường hợp so với cả năm 2022. Hiện nay, tình hình dịch thủy đậu đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyên truyền phòng, chống bệnh thủy đậu cho người dân ở xã Cư Króa, huyện M'Đrắk. (Ảnh QUANG NHẬT)
Tuyên truyền phòng, chống bệnh thủy đậu cho người dân ở xã Cư Króa, huyện M'Đrắk. (Ảnh QUANG NHẬT)

Ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch thủy đậu lây lan ra diện rộng, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Dịch thủy đậu diễn biến phức tạp

Trong những ngày đầu tháng 4, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận bốn ổ dịch thủy đậu xảy ra trên địa bàn huyện Ea Kar và M’Đrắk. Tại huyện Ea Kar, trường hợp đầu tiên được phát hiện mắc bệnh thủy đậu là bệnh nhi sáu tuổi đang học tại Trường mầm non Ngọc Lan, trú tại buôn Ea Kõ, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar. Ngày 23/3, bệnh nhi phát bệnh với triệu chứng sốt nhẹ, xuất hiện các mụn nước trên mặt và ngực, sau đó lan sang vùng bụng và tay, chân.

Bệnh nhi được người nhà đưa đi khám ở phòng khám tư nhân và được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu. Những ngày sau đó, địa phương tiếp tục ghi nhận thêm 17 trường hợp mắc bệnh thủy đậu trong cùng một lớp học tại Trường mầm non Ngọc Lan. Cùng thời điểm đó, tại thôn 8, thị trấn Ea Kar xảy ra ổ dịch với hai trường hợp mắc bệnh và tại Trường mầm non Bình Minh, thị trấn Ea Knuốp xảy ra ổ dịch với 19 trường hợp mắc bệnh thủy đậu. Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Tại huyện vùng sâu M’Đrắk, bệnh thủy đậu đã bùng phát thành ổ dịch tại điểm Trường mẫu giáo Hoa Sim và Trường tiểu học Lê Quý Đôn, xã Cư Króa với 29 em học sinh và ba người nhà của các em mắc bệnh. Lãnh đạo Trường tiểu học Lê Quý Đôn cho biết: Nhà trường hiện có tám lớp với 199 học sinh, trong đó tất cả học sinh đều là dân tộc H’Mông. Ngày 29/3, tại trường ghi nhận học sinh mắc bệnh thủy đậu, sau đó bệnh nhanh chóng lan rộng và tới nay đã có 29 học sinh mắc bệnh.

Virus gây bệnh thủy đậu được xếp vào nhóm virus lây lan mạnh, nếu chưa tiêm vaccine và tiếp xúc với người mắc bệnh thì khả năng mắc bệnh rất cao.

Trước đó, vào giữa tháng 2/2023, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận bốn ổ dịch thủy đậu xảy ra trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Lắk với 56 trường hợp mắc bệnh.

Các trường hợp mắc bệnh phần lớn là học sinh đang theo học tại các trường học trên địa bàn và chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu nên nguy cơ dịch lây lan ra diện rộng là rất lớn. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, virus gây bệnh thủy đậu được xếp vào nhóm virus lây lan mạnh, nếu chưa tiêm vaccine và tiếp xúc với người mắc bệnh thì khả năng mắc bệnh rất cao. Hiện vaccine phòng thủy đậu chưa được đưa vào dự án tiêm chủng mở rộng cho nên độ bao phủ chưa cao.

Nỗ lực phòng chống dịch

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk Hoàng Hải Phúc cho biết: Ngay sau khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại các địa phương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện tiến hành điều tra, xác minh các trường hợp mắc bệnh, ổ dịch và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch.

Các Trung tâm y tế huyện, thành phố đã nhanh chóng phối hợp trạm y tế điều tra, giám sát ca bệnh, tổ chức phun thuốc khử khuẩn; tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh thực hiện các biện pháp chăm sóc, điều trị các trường hợp mắc bệnh và biện pháp ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng.

Các trường đã phối hợp cán bộ y tế xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các em học sinh cách ly điều trị tại nhà theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức vệ sinh môi trường, phun Chloramin B khử khuẩn trong nhà và khu vực chung quanh nơi ghi nhận ca bệnh, các lớp học, trường học, khu vực ổ dịch. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh thủy đậu.

Các cán bộ y tế vận động người dân chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho bản thân và người nhà...; đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa đài của xã, thị trấn; nắm chắc tình hình dịch để kịp thời xử trí khi có tình huống phát sinh. Các trạm y tế xã tổ chức tập huấn cho cộng tác viên y tế thôn, buôn về những kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh thủy đậu để tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk Hoàng Hải Phúc, điều đáng lo ngại là theo số liệu giám sát dịch tễ về bệnh thủy đậu trên địa bàn tỉnh, các ổ dịch thường phát sinh ở các trường học, nơi tập trung đông người, mật độ và tần suất tiếp xúc cao. Vaccine thủy đậu hiện tại chưa triển khai trong tiêm chủng thường xuyên mà chỉ triển khai tiêm chủng dịch vụ, giá thành vaccine lại cao, mỗi mũi tiêm chủng có giá từ 650-800 nghìn đồng tùy nước sản xuất.

Theo dự báo, thời gian tới, tình hình dịch thủy đậu trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, Đắk Lắk có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn gặp nhiều khó khăn và một bộ phận người dân còn chủ quan, ít hưởng ứng việc tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu... Vì vậy, theo dự báo, thời gian tới, tình hình dịch thủy đậu trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch thủy đậu, nhằm tăng cường công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch thủy đậu lây lan ra diện rộng, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp các đơn vị và trung tâm y tế các địa phương trong tỉnh tăng cường giám sát, tổ chức điều tra dịch tễ trong khu vực có trường hợp bệnh. Khi có trường hợp nghi ngờ mắc thủy đậu thì tiến hành cách ly, xử lý theo quy trình, không để dịch lây lan, hạn chế xảy ra biến chứng, không để tử vong.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh thủy đậu, đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, vận động nhân dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Ngành y tế phối hợp tốt ngành giáo dục trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các trường học; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị cho tuyến dưới khi có yêu cầu…