Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là niềm tự hào và cũng là thuận lợi để động viên, khích lệ đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị, văn hóa nghệ thuật truyền thống của các dân tộc.
Công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo quyết liệt, tích cực triển khai các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc này thông qua tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, dân ca, dân vũ; tổ chức phục dựng các nghi lễ, lễ hội; tổ chức các cuộc liên hoan văn hóa cồng chiêng.
Bảo tồn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Từ đề án đến thực tiễn
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá văn hóa cồng chiêng; phục dựng, trình diễn các nghi lễ, lễ hội; cấp chiêng và trang phục truyền thống; đề nghị xem xét, phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian; tổ chức giao lưu, liên hoan văn hóa cồng chiêng, phấn đấu thực hiện các nội dung đã cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO và mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh Đắk Lắk đã đề ra trong giai đoạn 2022-2025 là giữ gìn, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng; từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa cồng chiêng đến với mọi tầng lớp nhân dân cũng như bạn bè trong và ngoài nước góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh. Việc cấp hỗ trợ chiêng, trang phục, nhạc cụ theo đúng nhu cầu thực tế của các chủ thể văn hóa để có thể phát huy được giá trị văn hóa, vật chất, tinh thần của cồng chiêng trong cộng đồng, đời sống, ưu tiên những đội chiêng tiêu biểu, có các nghệ nhân am hiểu, biết đánh chiêng truyền thống và thường xuyên tham gia các hoạt động tại địa phương.
Nhiều đội chiêng thu hút được thanh thiếu niên tham gia. |
Tổ chức truyền dạy đánh chiêng, thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng, đội chiêng truyền thống tại các thôn buôn được chú trọng góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Gần 30 lớp truyền dạy trên địa bàn toàn tỉnh ba năm qua thu hút hàng trăm học viên tham gia. Đáng chú ý là các lớp truyền dạy tập trung tại các buôn người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, các trường dân tộc nội trú nhằm đào tạo thế hệ trẻ có các kỹ năng cơ bản, từng bước tạo sân chơi và sự yêu thích, đam mê với văn hóa cồng chiêng, từ đó dần tiếp cận bảo đảm tính kế thừa và thay thế lớp nghệ nhân lớn tuổi. Hầu hết các trường dân tộc nội trú đã thành lập đội cồng chiêng của các em học sinh để tổ chức học tập, sinh hoạt, tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ và thực hiện mặc trang phục truyền thống của các dân tộc mình vào thứ hai hằng tuần và những dịp lễ, kỷ niệm quan trọng của đất nước, địa phương và của trường.
Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong những năm qua, việc hỗ trợ cồng chiêng, trang phục và các trang thiết bị hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm.
Cơ bản đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu văn hóa, giải trí và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như: các đội chiêng được thành lập và tập luyện thường xuyên hơn, đặc biệt đã thu hút được một số thanh thiếu niên tham gia vào các đội chiêng; tham gia và phục vụ tổ chức các hội nghị, họp mặt, tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ gia đình, hội thi, liên hoan văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng, biểu diễn dân ca dân vũ...
Do đó, hiệu quả công tác này đã đi vào chiều sâu và có chất lượng cao, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện, tác động thiết thực đến đời sống, kinh tế, xã hội, bộ mặt của thành thị, nông thôn được đổi mới. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có nhiều đội chiêng được thành lập và thường xuyên phục vụ khách du lịch góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bên cạnh đó, việc tổ chức phục dựng, tái hiện các nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với văn hóa cồng chiêng là một trong những điều kiện để phục hồi và bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng, qua đó lưu truyền cho thế hệ mai sau.
Các nghi lễ, lễ hội được phục dựng, tái hiện với tinh thần tôn trọng các chủ thể văn hóa, không sắp đặt, đạo diễn, bảo đảm yếu tố truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tiêu biểu như: Lễ kết nghĩa anh em người Êđê tại buôn Drai Si, xã Cư Mtar, huyện Cư M’gar; Lễ cúng bến nước tại Buôn Tring, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ; Lễ mừng thọ của người M’nông Gar, huyện Lắk; Lễ cúng cầu mưa, cầu mùa của người Êđê tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông…
Các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức các hoạt động diễn tấu cồng chiêng gắn với nghi thức, nghi lễ, lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số như: lễ ăn cơm mới; lễ cúng bến nước, lễ cúng cầu mưa, cầu mùa, lễ cúng chiêng thu hút được đông đảo nghệ nhân và người dân trong vùng tham gia.
Cùng với đó, các hoạt động tổ chức trưng bày, triển lãm, các hoạt động giao lưu văn hóa, hội thi, hội diễn, liên hoan, tổ chức chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách theo định kỳ góp phần lan tỏa sâu rộng văn hóa cồng chiêng.
Sự hưởng ứng mạnh mẽ của các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, từ việc mới thành lập và duy trì hàng trăm đội cồng chiêng, người dân có ý thức, tự giác hơn trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa cồng chiêng.
Người dân có ý thức, tự giác hơn giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa cồng chiêng. |
Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng còn một số hạn chế và gặp không ít khó khăn, thách thức. Một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa thật sự quan tâm đúng mức, chính sách ưu đãi cho nghệ nhân đánh cồng chiêng và các loại hình di sản văn hóa phi vật thể chưa có định mức cụ thể, rõ ràng nên khó khăn trong việc chi trả, vận động các nghệ nhân tham gia tập luyện, nguồn kinh phí dành cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá cồng chiêng còn hạn hẹp.
Các nghệ nhân nắm giữ các di sản văn hóa truyền thống như nghệ nhân biết kể sử thi, kể chuyện cổ, tạc tượng và chế tạo nhạc cụ dân tộc; diễn tấu chiêng, múa xoang, dân vũ đã dần mai một, do lớn tuổi, do mất đi, do thiếu lớp kế cận. Sức hút của cồng chiêng không còn hấp dẫn giới trẻ như trước, trong khi nhiều nghệ nhân giỏi do tuổi tác cao, đã quên hoặc mất dần nên việc đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ tiếp nối giữ gìn, phát huy di sản văn hóa dân tộc gặp nhiều khó khăn.
Qua thực tiễn triển khai cho thấy cần đẩy mạnh truyền thông và quảng bá về di sản văn hóa cồng chiêng, tuyên truyền về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong các tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bảo vệ không gian diễn xướng cồng chiêng.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Đắk Lắk cần chủ động chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa cồng chiêng; tổ chức các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng cần lồng ghép với nhiều hoạt động khác như ngày hội, lễ hội, liên hoan, thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động hội thi, hội diễn, liên hoan cồng chiêng trong tỉnh để góp phần bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng; tổ chức mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho nghệ nhân trẻ tuổi để kế thừa các nghệ nhân đã lớn tuổi.