Những người giữ cồng chiêng Nam Tây Nguyên

Ở huyện Đam Rông, Lâm Đồng, nhiều người biết tiếng ông Cil Nếu, chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng thôn Liêng Trang 1, xã Đạ Tông. Anh Phạm Linh, Phó Bí thư Huyện đoàn Đam Rông đồng thời là viên chức Trung tâm Văn hóa huyện có nhiều năm gắn bó với ông Cil Nếu. Anh cho biết thêm, để CLB hoạt động như hiện nay, là cả câu chuyện dài, ông Cil Nếu mất hơn 6 năm “ươm mầm, thai nghén”.
Biểu diễn cồng chiêng và múa xoang.
Biểu diễn cồng chiêng và múa xoang.

1/Đến miền đại ngàn Đam Rông (một huyện của Lâm Đồng), tôi được xem biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong chương trình tái hiện lễ cưới của người M’Nông tại Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc. Các chàng trai, cô gái, thanh niên, bô lão trong trang phục truyền thống trình diễn duyên dáng, nhịp nhàng. Đó là thành viên CLB cồng chiêng thôn Liêng Trang 1, xã Đạ Tông, do nghệ nhân Cil Nếu làm chủ nhiệm, ra mắt từ tháng 9/2023. Đây là CLB đầu tiên của huyện giữ gìn, bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đồng thời phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng của bản làng.

“Đàn ông phải biết đánh chiêng, đan lát mới được xem là người đàn ông thực thụ, cũng như phụ nữ phải biết dệt thổ cẩm. Nhưng hiện nay, biết cũng được, không biết cũng không sao. Người già không còn mấy, người trẻ lại ít quan tâm”, nghệ nhân Cil Nếu ưu tư. Ông luôn trăn trở về việc lưu giữ, kế thừa cho thế hệ trẻ. Năm 2017, sau khi nghỉ hưu, ông dành thời gian gõ cửa từng nhà, tìm những người biết đánh cồng chiêng còn lại của thôn làng, thuyết phục họ tập hợp với nhau để cùng tập luyện. Đến năm 2019, ông mở lớp dạy cồng chiêng miễn phí cho thanh niên trong thôn. Ai cũng được chào đón, hễ có sự quan tâm và tình yêu với cồng chiêng là ông kêu gọi đến “lớp”. Lớp học của ông thật đặc biệt, chỉ mở vào buổi tối, tận dụng thời gian ngơi nghỉ của mọi người, có khi mượn hội trường thôn để dạy, có lúc diễn ra tại chính ngôi nhà của ông. Múa xoang thì đơn giản hơn, phụ nữ M’Nông ai cũng biết múa, bởi vì nó gắn với sinh hoạt hằng ngày như trồng lúa, giã gạo, địu con… Chỉ cần phối hợp nhịp nhàng với giai điệu của bài chiêng là được.

Những người giữ cồng chiêng Nam Tây Nguyên ảnh 1

Ông Cil Nếu.

2/Để có nhạc cụ sinh hoạt, ông đem bộ chiêng của tổ tiên ra dùng. Khi tôi hỏi tuổi của bộ chiêng, ông nói không biết được, chỉ biết của ông cha để lại từ xa xưa, qua biết bao đời. Ông còn tài trợ trang phục truyền thống cho các nam nghệ sĩ biểu diễn. Phụ nữ múa xoang thì tận dụng váy áo có sẵn của họ. Tốn nhiều công sức là thế nhưng không phải ai cũng gắn bó, vài người thấy không có nguồn thu liền rời khỏi. “Dù rất buồn, muốn giữ họ lại nhưng biết làm sao”. Sau 6 năm miệt mài, CLB được tỉnh tài trợ bộ cồng chiêng và trang phục biểu diễn. Bấy giờ CLB có 18 người, đến nay đã tăng gấp đôi, người trẻ nhất vừa 22 tuổi, cụ già nhất ngoài 70.

Nghệ nhân Cil Nếu nói, cái khó nhất là sắp xếp thời gian tập luyện cùng nhau. Các thành viên hằng ngày vẫn ra đồng, lên nương, làm các công việc thường nhật, tối đến hoặc những lúc nông nhàn mới cùng nhau luyện tập. Kế đến là làm sao cho CLB có thu nhập. Những lúc rảnh rỗi, ông xuôi ngược tìm cơ hội biểu diễn để có thêm nguồn lực duy trì hoạt động và mở rộng CLB. Ông hồ hởi khoe, từ lúc chính thức ra mắt đến nay, có nhiều tổ chức cá nhân mời về biểu diễn, phục vụ các sự kiện quan trọng của bản làng và địa phương như lễ cầu mưa, lễ cưới hỏi của người M’Nông. Trong tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng vừa qua, nhóm biểu diễn cho du khách đến tham quan Khu du lịch suối khoáng nóng Daana ở xã Đạ Tông. “Mục tiêu hướng đến của CLB là gắn với du lịch cộng đồng, nhằm giới thiệu đến du khách nét đẹp, giá trị của văn hóa cồng chiêng Nam Tây Nguyên”, ông hào hứng kể với tôi về dự định của mình và khoe rằng, sau mỗi lần biểu diễn, các thành viên có thêm thu nhập, dù mỗi người chỉ vài trăm nghìn đồng, cũng là niềm vui với họ.

3/Kể về bản thân, ông Cil Nếu cho biết, ông sinh năm 1965, là người M’Nông, trước đây là giáo viên tiểu học, có thời gian làm cho huyện đoàn, rồi đi dạy tiếng K’Ho cho những người Kinh công tác tại bản làng. “Bản thân mình phải đam mê, thì mới khơi gợi được niềm đam mê từ những người khác. Bên cạnh đam mê là hiểu biết để truyền thụ lại cho lớp trẻ. Tôi nghĩ nếu mình không có trách nhiệm với con em thì sẽ mai một và mất đi”, ông nói.

Nói về nghệ nhân Cil Nếu, anh Phạm Linh bày tỏ sự khâm phục, “Thầy Cil Nếu là người có tầm nhìn và rất nhiệt huyết trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Thầy luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng. Dù là người có tiếng nói, uy tín trong làng nhưng lại hòa đồng, biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của mọi người”.

Ha Đức, sinh năm 1999, chàng trai trẻ nhất trong đội chiêng kể: “Chỉ cần chịu học, mất bao nhiêu thời gian thầy Cil Nếu đều kiên trì chỉ dạy, từng động tác cho đến khi thuần thục”. Salina, sinh năm 2002, cô gái trẻ nhất trong đội múa xoang thì bộc bạch: “Được sinh hoạt cùng mọi người thật vui, thầy Cil Nếu rất vui vẻ, nhiệt tình”.