Để ngành công nghiệp bán dẫn “cất cánh”

Năm 2023 là năm đạt được kết quả khá ấn tượng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký đạt mức cao kỷ lục 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Kỳ vọng năm 2024, thu hút FDI tiếp tục “cất cánh” khi Việt Nam có nhiều lợi thế, trong đó nhiều động lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đột phá.
0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng để đón đầu các dự án. Ảnh: NAM NGUYỄN
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng để đón đầu các dự án. Ảnh: NAM NGUYỄN

Nhiều tín hiệu tích cực

Với kết quả thu hút FDI tháng 1/2024 đạt 39.377 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 471,9 tỷ USD đến từ 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của “ông lớn” FDI trong năm 2024. Theo đó, lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng tái tạo… sẽ là những lĩnh vực Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Riêng với lĩnh vực bán dẫn, nhiều tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor…

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói rằng, Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Theo đó, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2023; đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.

Bộ KH&ĐT cũng đã khai trương Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và ký hợp tác với hai tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Sypnosyps và Cadence; phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực.

Vừa qua, Quốc hội cũng đã ra nghị quyết, giao Chính phủ xây dựng nghị định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.

Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ hôm 10/9/2023, hai bên ghi nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”. Vì thế, nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của những “ông lớn” công nghệ.

Việt Nam sẽ trở thành công xưởng sản xuất chip

Đánh giá tiềm năng ngành này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, đây là cơ hội lịch sử đối với Việt Nam, bởi lẽ chúng ta có nhiều điều kiện tốt để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông dẫn chứng, Intel đã đầu tư trong ngành này ở Việt Nam 20 năm. Họ thực hiện công đoạn đóng gói và kiểm tra lần cuối (kiểm tra các chip lần cuối trước khi xuất xưởng). Tuy nhiên, giá trị gia tăng không cao, khoảng 6-7%. Năm 2023, tại Bắc Giang có hai nhà máy của Mỹ (một nhà máy đã khánh thành, một nhà máy đang xây dựng) khoảng hơn 2 tỷ USD.

Về triển vọng, theo ông Toàn, họ không làm đơn thuần công việc đóng gói chip bán dẫn trước khi xuất xưởng, mà sẽ làm lớn hơn rất nhiều. Doanh nghiệp FDI muốn xây dựng những nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam. Trong đó sẽ thực hiện công đoạn lớn nhất là thiết kế chip (công đoạn chiếm hơn 50% giá trị gia tăng của sản phẩm).

Việt Nam có lợi thế gì để doanh nghiệp Mỹ lựa chọn là nơi đặt nhà máy? Theo ông Toàn, Việt Nam có nhiều lợi thế. Thứ nhất, Việt Nam có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp này. Thứ hai, công nhân lao động, đội ngũ kỹ sư của chúng ta khá tốt, phù hợp phát triển công nghệ sản xuất chip. Thứ ba, môi trường đầu tư của Việt Nam. Chúng ta đã xây dựng các chương trình bài bản để đón luồng đầu tư này, trong đó đào tạo khoảng 50.000 - 100.000 kỹ sư để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để lập nhà máy sản xuất chip.

Ông cũng cho rằng, Việt Nam có thể trở thành công xưởng, trung tâm của thế giới về bán dẫn. “Tôi đặt niềm tin rất cao, nhưng muốn biến niềm tin đó trở thành hiện thực, chúng ta có nhiều việc phải làm, trong đó, quan trọng nhất phải tạo ra hệ sinh thái trong phát triển công nghiệp bán dẫn”, ông Toàn nói. Theo ông, Việt Nam cần phát huy cao hơn nữa quyền sở hữu trí tuệ; hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã có nhưng việc triển khai cần làm tốt, rốt ráo, triệt để hơn để luật đi vào cuộc sống, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, ngoài hạ tầng kỹ thuật thì chúng ta phải xây dựng hạ tầng xã hội, như xây dựng chỗ ở cho công nhân, người lao động an toàn, tiện nghi, lành mạnh hơn. Đây là việc phải làm bởi đã có những bài học đắt giá khi chúng ta đã có những kỹ sư, cán bộ khoa học - kỹ thuật rất giỏi nhưng không phát huy được khi làm việc ở Việt Nam vì môi trường sống, môi trường làm việc chưa tốt, nên họ đã lựa chọn làm việc, định cư tại nước ngoài.

Còn làm cách nào để thu hút “đại bàng” bán dẫn đến xây tổ, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn rất quan tâm, đồng hành, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, chủ động mời gọi các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Ngoài ra, việc khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 cũng tạo hiệu ứng cho các nhà đầu tư công nghệ đến đầu tư tại Việt Nam. Bộ KH&ĐT cũng thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu, xây dựng các kế hoạch, giải pháp mang tính đột phá để góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng, an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Dũng nói.