Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng công nhân, lao động

NDO - Chiều 16/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri với công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân lao động tỉnh Cao Bằng kiến nghị với đại biểu Quốc hội.
Công nhân lao động tỉnh Cao Bằng kiến nghị với đại biểu Quốc hội.

Đây là hoạt động thiết thực trong Tháng Công nhân nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc của công nhân, lao động tại tỉnh Cao Bằng.

Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Cao Bằng.

Tại hội nghị, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức, lao động thời gian qua.

Đồng thời, thay mặt người lao động, tổ chức Công đoàn ở Cao Bằng kiến nghị, các cấp, các ngành, địa phương bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân và lao động thu nhập thấp. Quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động.

Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu, xem xét, quy định giảm giờ làm việc của công nhân lao động từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 hoặc 40 giờ. Giảm giờ làm giúp công nhân lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình và tái tạo sức lao động.

Các công nhân, viên chức, lao động tham dự hội nghị đã kiến nghị với đại biểu Quốc hội: Đời sống một bộ phận không nhỏ công nhân lao động gặp khó khăn do giá cả các mặt hàng thiết yếu như, thực phẩm, tiền điện, tiền gas... tăng.

Đề nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, giúp công nhân, viên chức, lao động bảo đảm tốt sinh hoạt của gia đình.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng công nhân, lao động ảnh 1

Đông đảo công nhân, viên chức, lao động tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri.

Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, tháo gỡ và xử lý hiệu quả tình trạng một số đơn vị sử dụng lao động vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, gây thiệt thòi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Các cơ sở giáo dục mầm non công lập trong tỉnh Cao Bằng chưa đủ năng lực tiếp nhận, chăm sóc trẻ từ 7 đến 24 tháng tuổi, gây khó khăn, áp lực chăm sóc trẻ cho nhiều gia đình trẻ khi hết thời gian nghỉ theo chế độ, quay trở lại đi làm.

Đề nghị Chính phủ bổ sung đối tượng là giáo viên mầm non và một số lao động trực tiếp trong doanh nghiệp được giảm số tuổi được nghỉ hưu.

Đề nghị tỉnh Cao Bằng áp dụng tăng biên chế giáo viên mầm non ở khu vực trung tâm, đông dân cư từ 2 giáo viên/lớp lên 2,2 giáo viên/lớp, để tăng nhân lực, giúp giảm áp lực công việc của giáo viên, do ở khu vực trung tâm, thường phải tiếp nhận số học sinh/lớp tăng so với quy định do nhu cầu thực tế.

Tại hội nghị, đại diện các ngành chuyên môn của tỉnh Cao Bằng đã trao đổi, giải đáp, ghi nhận các ý kiến nghị của cử tri. Đại biểu Quốc hội đã trao đổi, tiếp thu và sẽ chuyển các ý kiến kiến nghị của cử tri đến cơ quan có chức năng, thẩm quyền xem xét, giải quyết.