Giữa phố xá tấp nập, ồn ào, nhiều năm qua, căn nhà số 31C, đường Lê Quý Ðôn (quận 3) vẫn giữ một dáng vẻ sâu lắng, cuốn hút. Có nhiều cách gọi khác nhau: phòng tranh (gallery), nhà trưng bày... và tất cả đều gắn liền với nhà sưu tập nổi tiếng Ðức Minh.
Sinh năm 1920 tại Hà Nội, tên thật là Bùi Ðình Thản, ông thuộc thế hệ đầu trong giới sưu tập mỹ thuật ở đất Hà thành. Ðam mê hội họa, điều kiện tài chính cho phép và trên hết là ý thức gìn giữ văn hóa của dân tộc, cho nên từ thời còn trẻ, ông đã sớm hình thành mối lương duyên với hội họa. Lúc đầu là mời các danh họa đương thời vẽ chân dung người thân trong gia đình, dần dà ông đầu tư tâm trí, cất công tìm kiếm các tác phẩm nổi tiếng thuộc nhiều thể loại: lụa, sơn dầu, sơn mài... Tiêu biểu có bức: Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh; Thiếu nữ bên hoa phù dung của Nguyễn Gia Trí; Múa cổ của Nguyễn Tư Nghiêm; Trú mưa của Nguyễn Sáng; Thiếu nữ bên hoa của Tô Ngọc Vân...
Nhận xét về ông Ðức Minh, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân có viết: "Ông thật sự là nhà sưu tập tiên phong, sáng suốt và kiên tâm trong việc giữ gìn tài sản văn hóa nước nhà, có ý hướng thẩm mỹ tinh tường và hướng thiện trong việc góp phần thông báo một tương lai xán lạn cho làn sóng nghệ sĩ hàng đầu của nền hội họa hiện đại Việt Nam". Ông Ðức Minh cũng được biết đến là người theo sát từng chặng đường của hội họa Việt Nam, từ thời Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương cho tới hoạt động hội họa thập kỷ 80 (thế kỷ 20).
Năm 1983, nhà sưu tập Ðức Minh qua đời tại TP Hồ Chí Minh, ước nguyện của ông là xây dựng một bảo tàng hội họa tư nhân vẫn chưa thành hiện thực. Người con út trong số bảy người con của ông Ðức Minh là anh Bùi Quốc Chí đã kế nghiệp cha bằng một tình yêu hội họa nghiêm túc; sự trau dồi, lao động kỳ công. Sau nhiều năm lân la học hỏi, năm 2001, anh từ bỏ ngành kiến trúc, đeo đuổi công việc sưu tập một cách chính thức và toàn tâm. Từ đó, căn nhà số 31C Lê Quý Ðôn được anh đầu tư xây dựng, thiết kế theo mô hình bảo tàng tư nhân.
Bùi Quốc Chí đã gây dựng lại bộ sưu tập tranh "vang bóng một thời" của cha mình. Anh cất công tìm mua lại những tác phẩm đã bị thất lạc và cho đến nay đã tìm lại gần như đầy đủ. Bên cạnh đó, trên con đường sưu tập của mình, Bùi Quốc Chí tiếp tục coi trọng một "nguyên tắc" xuyên suốt của gia đình về thứ tự các họa sĩ, đó là: Trí, Lân, Vân, Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn); Nghiêm, Liên, Sáng, Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái). Hiện nay, Bùi Quốc Chí được cho là nhà sưu tập thừa kế gần như "bộ xương sống" những tác phẩm quan trọng của các danh họa Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương. Theo anh Bùi Quốc Chí, đã là người Việt Nam thì trước hết phải nâng niu, sưu tập và chơi tranh Việt Nam.
Gần đây, khi tham gia đấu giá ở hai trung tâm đấu giá nổi tiếng thế giới là Christie's và Sotheby's (Vương quốc Anh), Bùi Quốc Chí đã đấu giá thành công bức Chợ hoa Hà Nội do họa sĩ V.Tác-đi-ơ, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Ðông Dương vẽ.
Ðến nay, sau 20 năm tham gia sưu tập, anh Bùi Quốc Chí đã có hơn 500 bức tranh quý hiếm, nhiều giá trị. Ðây thật sự là một không gian hội họa đặc sắc và hấp dẫn đối với du khách.