Đặc sắc điệu múa giáo cờ giáo quạt ở Đông Tân

Ở xã Ðông Tân (huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình), điệu múa giáo cờ giáo quạt có từ triều đại nhà Trần, bao đời nay vẫn âm thầm trường tồn trong đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân vùng quê Ðồng bằng Bắc Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn múa giáo cờ giáo quạt trong Lễ hội làng Thượng Liệt, xã Ðông Tân, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Biểu diễn múa giáo cờ giáo quạt trong Lễ hội làng Thượng Liệt, xã Ðông Tân, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Ðây là điệu múa cổ, từng có thời gian bị gián đoạn, thất truyền. Ðến nay, bằng nhiệt huyết, đam mê phục dựng của bao thế hệ, nhất là sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa, điệu múa đã hồi sinh và lan tỏa trong cộng đồng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh (tỉnh Thái Bình) cho biết, múa giáo cờ giáo quạt là điệu múa thiêng, là niềm tự hào của người dân làng Giắng, xã Ðông Tân, không nơi nào có được.

Theo các thần tích, thần sắc hiện đang được lưu giữ và theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì điệu múa giáo cờ giáo quạt do công chúa Quý Minh, con Vua Trần Duệ Tông sáng tạo ra. Múa giáo cờ giáo quạt là hình thức múa dân gian tập thể có kết hợp với múa đôi (múa đi sứ-đi đôi-múa má). Nội dung điệu múa diễn tả tâm trạng của một công chúa trước khi đi xa làm lễ tạm biệt vua cha.

Các cô lèn (cô múa) mỗi người cầm một lá cờ nhỏ và một quạt giấy để gập trong suốt quá trình múa. Khi múa, tay cờ, tay quạt lúc bên này lúc bên kia, đổi tay cờ sang tay quạt, thường được gọi là tráo cờ, tráo quạt, tiếng địa phương đọc chệch thành "giáo".

Cờ tượng trưng cho hình ảnh người anh hùng đi đánh giặc, cứu nước; cờ ngũ sắc biểu hiện cho 5 phương, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Quạt tượng trưng cho sự an nhàn, yêu đời, tôn vinh vẻ đẹp và vai trò của người phụ nữ. Ngoài ra còn có một trống cái làm hiệu lệnh để chỉ huy đội múa.

Theo ông Trần Ðình Ân, một bậc cao niên trong làng Giắng, múa giáo cờ giáo quạt chiếm vị trí quan trọng nhất ở hội làng Giắng, được tổ chức ở trước sân đình Thượng Liệt với 36 cấp múa (chỉ là con số ước lệ). Các thế múa (ngón tay, ngón chân, nhún người, quay người), đội hình cũng như tuyến múa khá đa dạng và phức tạp. Nhiều động tác tập trung diễn tả cảnh sinh hoạt nơi thôn dã, đồng quê như chim bay, cò bay, chao tép, vạt tôm, chèo thuyền,… tạo cho điệu múa có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thể hiện rõ ở các cấp múa (đội hình vòng tròn ngược kim đồng hồ và hình âm dương số 8). Các cấp múa gồm có: Múa đi sứ (thường múa ở sân trong của đình), múa má (do 6 em bé nhất trong đội múa lột tả không khí đưa tiễn), múa bái vua (khi đứng hay quỳ trước ban thờ, mắt cô đi sứ không được chớp, nếu nhìn thấy chớp mắt sẽ bị làng bắt lỗi), múa cửa và múa rè (động tác giống nhau, chỉ khác về đội hình, trong đó múa rè có ông đọc dóng - đọc thơ), múa sắc ngũ phương với lời dóng như một bài văn khấn xua đuổi ma quỷ, tai ương, cầu mong sự an khang, phú quý cho dân làng… Vào những lúc nông nhàn, các nghệ nhân ở làng Giắng vẫn tranh thủ tập luyện, ôn lại các bài dóng để không mai một những giá trị nhân văn của cha ông để lại.

Ðể gìn giữ nét văn hóa đặc sắc, riêng có của mảnh đất này, hiện nay, tại xã Ðông Tân đã thành lập Câu lạc bộ truyền dạy điệu múa cổ giáo cờ giáo quạt do bà Lại Thị Thêu, một nghệ nhân tâm huyết đứng ra trực tiếp truyền dạy. Những năm gần đây, múa giáo cờ giáo quạt còn được đưa vào trong các tiết học ngoại khóa ở một số trường phổ thông trên địa bàn xã Ðông Tân.

Theo bà Thêu, từ hơn 20 năm nay, việc truyền dạy điệu múa cổ được thực hiện nền nếp. Các cháu từ lớp 3 đến lớp 9 được tuyển chọn kỹ càng, có tố chất, có đam mê với văn hóa làng quê. Cứ như thế, múa giáo cờ giáo quạt nảy nở, phát triển và vẫn giữ được bản sắc xưa cũ vốn có, làm lay động biết bao người có dịp thưởng thức. Không những ở trong nước, điệu múa cổ còn được lưu diễn tại các nước châu Âu, châu Mỹ.

Bà Bùi Thị Dược, một nghệ nhân cao niên trong làng Giắng cũng là người dành nhiều tâm sức để bảo tồn múa giáo cờ giáo quạt. Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, nhưng niềm tự hào về điệu múa của quê hương chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí. Bà đã vinh dự biểu diễn tại Pháp, Bỉ, Bồ Ðào Nha, tại mỗi nơi đều đón nhận tình cảm, sự trân quý của người xem, nhất là kiều bào ta ở nước ngoài.

Em Bùi Anh Thư, học sinh Trường tiểu học và trung học cơ sở Ðông Tân cho biết, em được học điệu múa này từ lớp 3 và thường xuyên được trình diễn trong lễ hội làng từ mồng 10-13 tháng Giêng hằng năm. Thư rất tự hào bởi bản thân sinh ra, lớn lên tại làng Giắng, do đó việc lưu giữ điệu múa này chính là phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của quê hương.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội làng Thượng Liệt, xã Ðông Tân, trong đó có việc bảo tồn điệu múa giáo cờ giáo quạt đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 9/2018.