Đà Nẵng thúc đẩy quyền trẻ em

NDO -

Ngày 31/12, Thành Đoàn-Hội đồng Đội thành phố Đà Nẵng tổ chức Kỳ họp Hội đồng trẻ em thành phố Đà Nẵng lần thứ VI (giai đoạn 2021-2022, sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Trẻ em 2016 và hội thảo tham vấn ý kiến trẻ em về “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn, thân thiện với trẻ em”.

Các đại biểu trẻ em thảo luận, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng thành phố thân thiện, lành mạnh với trẻ em.
Các đại biểu trẻ em thảo luận, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng thành phố thân thiện, lành mạnh với trẻ em.

Giai đoạn 2016-2021, các cấp bộ đoàn, đội trên địa bàn thành phố đã có nhiều hoạt động, mô hình sáng tạo, hiệu quả để triển khai thực hiện Luật Trẻ em 2016 cho hơn 137.000 thiếu nhi thành phố. Các đơn vị cũng chú trọng tạo điều kiện để trẻ em thực hiện bổn phận của mình và thiếu nhi thành phố có điều kiện tốt nhất để trưởng thành lành mạnh, an toàn, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Theo đó, Đà Nẵng đã thành lập và hoàn thiện Hội đồng trẻ em từ cấp thành phố đến cơ sở. Đã có 6 kỳ họp định kỳ được thực hiện với nhiều chủ đề thiết thực. Duy trì “diễn đàn trẻ em” hằng năm, Hộp thư “Điều em muốn nói” nhằm tạo điều kiện cho thiếu nhi phát biểu ý kiến, đóng góp xây dựng môi trường sống của mình phù hợp với tâm tư của các em.

Đà Nẵng thúc đẩy quyền trẻ em -0
 Duy trì các hoạt động hỗ trợ thiếu nhi ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tổ chức 55.000 hoạt động, tham quan trải nghiệm tại các nhà văn hóa, bảo tàng, làng nghề… cho 430.000 lượt thiếu nhi; Thực hiện 91.000 hoạt động hoạt động giáo dục, kỹ năng thực hành xã hội đến với khoảng 130.000 người/năm cho trẻ em và người giám hộ trẻ em.

Bên cạnh đó, Thành Đoàn và các cấp cũng tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi, hội thi, hội diễn văn nghệ, thi vẽ tranh, ngày hội văn hóa dân gian, thi tin học trẻ, thi tiếng Anh… ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, tự tin, là môi trường lành mạnh cho các em thiếu nhi tham gia. Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống học đường, sử dụng mạng xã hội an toàn, Tổ chức về nguồn “Chúng con luôn bên mẹ”, thực hiện kế hoạch nhỏ, bảo vệ môi trường… luôn được thực hiện.

Ngoài ra, các cấp cũng quan tâm đến nhóm thiếu nhi đặc biệt, như: hoàn thành xây dựng 21 khu vui chơi trẻ em tại khu dân cư; thực hiện 1 thư viện; 7 ngôi nhà khăn quàng đỏ cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Các mô hình như: Hỗ trợ góc học tập cho em, trao tặng học bổng, xe đạp tiếp sức đến trường, nghìn máy tính cho em, vì đàn em thân yêu… đã giúp các em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tốt nhất trong học tập, vui chơi.

Thông qua Kế hoạch nhỏ, đã xây dựng hơn 400 công trình măng non tại liên đội, hỗ trợ trang thiết bị đoàn đội, trao tặng phần quà, học bổng cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng.

Năm năm qua, Thành Đoàn, Hội đồng Đội đã trao tặng gần 11,7 tỷ đồng kinh phí quà tặng, học bổng; đồng thời vận động hơn 300 triệu giúp thiếu nhi hiểm nghèo trên địa bàn thành phố. Dự kiến, năm 2022, đơn vị sẽ triển khai thực hiện mô hình Hạc giấy ước mơ, nhằm xây dựng kinh phí ổn định hỗ trợ cho thiếu nhi ung thư.

Với sự lãnh đạo và cam kết mạnh mẽ từ chính quyền thành phố, Đà Nẵng đang trên đà trở thành Thành phố Thân thiện với Trẻ em thứ hai của Việt Nam. Trong chuỗi hoạt động lần này, cùng với sự đồng hành của UNICEF Việt Nam, các đại biểu trẻ em đã chia nhóm đối thoại trực tiếp với các đại biểu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và Ban Tham vấn Hội đồng trẻ em.

Tại đây, các em cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm triển khai hiệu quả hơn Luật Trẻ em 2016 trong thời gian tới; đóng góp ý kiến của mình để tham gia xây dựng thành phố Đà Nẵng thân thiện, lành mạnh với trẻ em.