Đà Nẵng công bố dịch tả lợn châu Phi ở hai xã thuộc huyện Hòa Vang

NDO - Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang năm 2024, tạm dừng hoạt động giết mổ lợn tại vùng có dịch.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng công bố dịch tả lợn châu Phi tại xã Hòa Ninh và Hòa Phong. Trong ảnh: Lực lượng chức năng xã Hòa Phong tiến hành phun thuốc khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại nơi xảy ra dịch bệnh. (Ảnh do Ủy ban nhân dân xã Hòa Phong cung cấp)
Huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng công bố dịch tả lợn châu Phi tại xã Hòa Ninh và Hòa Phong. Trong ảnh: Lực lượng chức năng xã Hòa Phong tiến hành phun thuốc khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại nơi xảy ra dịch bệnh. (Ảnh do Ủy ban nhân dân xã Hòa Phong cung cấp)

Theo đó tại xã Hòa Ninh và Hòa Phong, huyện Hòa Vang phát hiện dịch tả lợn châu Phi ở hai xã.

Quyết định công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang năm 2024 do ông Phan Duy Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang ký, ban hành. Cụ thể: Vùng có dịch: xã Hòa Ninh và Hòa Phong; Vùng bị dịch uy hiếp: xã Hòa Phú, Hòa Sơn, Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Liên. Vùng đệm: xã Hòa Bắc, Hòa Châu và Hòa Phước.

Các xã công bố dịch được tính kể từ ngày trường hợp đầu tiên tại xã đó có kết quả xét nghiệm lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang yêu cầu các xã trong vùng có dịch tập trung khoanh vùng ổ dịch, nhanh chóng thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt dịch, ngăn chặn dịch lây lan; tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Cấm người không có nhiệm vụ vào nơi có gia súc mắc bệnh hoặc chết; hạn chế người ra vào vùng có dịch; thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho động vật theo quy định.

Tạm dừng các hoạt động giết mổ, đưa vào, mang ra hoặc lưu thông trong vùng có dịch đối với lợn và các sản phẩm từ lợn, trừ trường hợp được phép vận chuyển theo quy định.

Vệ sinh phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...) liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao phát sinh thành dịch, thành lập chốt kiểm dịch (nếu có); tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn; đồng thời, thực hiện đúng hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn về quá trình xử lý, dập dịch.

Đối với các xã trong vùng bị uy hiếp: Kiểm soát việc đưa vào, mang ra khỏi vùng bị dịch uy hiếp đối với lợn và sản phẩm từ lợn; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong vùng bị dịch uy hiếp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn xã; đối với các xã trong vùng đệm: kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ…

Đà Nẵng công bố dịch tả lợn châu Phi ở hai xã thuộc huyện Hòa Vang ảnh 2

Lực lượng chức năng xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) tiến hành tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh. (Ảnh do lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Hòa Phong cung cấp)

Theo báo cáo của huyện Hòa Vang, nơi ghi nhận dịch tả sớm nhất tại hộ ông H. trú thôn Năm, xã Hòa Ninh vào ngày 30/7 với hai con lợn chết trong đàn gần 30 con, vào ngày 30/7. Kết kiểm nghiệm cả hai mẫu dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tại xã Hòa Phong, ngày 5/8, hộ bà Đ. Trú thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong xuất hiện lợn chết không rõ nguyên nhân. Lực lượng chức năng đã kiểm tra và lấy mẫu, kết quả dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngày 6/8, hộ bà X. cùng thôn có một con lợn chết, đã được lấy mẫu gửi kiểm nghiệm nhưng chưa có kết quả.

Trong ngày 8/8, phát hiện thêm 2/24 con lợn chết không rõ nguyên nhân của hộ ông N. trú thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong. Kết quả quả lấy mẫu xét nghiệm 2/2 mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Hiện, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 2.000 lít hóa chất sát trùng chuồng trại chăn nuôi (Benkocid) cho Ủy ban nhân dân 11 xã bảo quản và chủ động sử dụng trong tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh.

Đến nay, lực lượng chức năng địa phương đã tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do bệnh tại 4 hộ gồm gia đình nêu trên với tổng số 40 con lợn thịt, tổng trọng lượng tiêu hủy 1,193kg.

Đồng thời tiến hành tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi và chung quanh một lần/ngày liên tục trong tuần đầu tiên; ba lần/tuần trong tuần tiếp theo.