Đà Nẵng bảo đảm an ninh nguồn nước

Theo dự báo, nhu cầu dùng nước sạch sinh hoạt tại thành phố Đà Nẵng đang tăng nhanh, nhất là vào mùa hè, với lượng khách du lịch lớn, nhu cầu sử dụng nước tăng cao, nhưng nguồn cung cấp nước lại giảm mạnh do nắng nóng, xâm nhập mặn.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Nhà máy nước Hòa Liên, thành phố Đà Nẵng.
Một góc Nhà máy nước Hòa Liên, thành phố Đà Nẵng.

Vì vậy, bảo đảm nguồn nước đủ đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất luôn là vấn đề quan tâm của chính quyền thành phố.

Theo quy hoạch cấp nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; đến năm 2030 nhu cầu dùng nước sạch ngày cao nhất của Đà Nẵng là hơn 801 nghìn mét khối, tuy nhiên khả năng đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của hệ thống cấp nước thành phố cuối năm 2022 chỉ mới đạt 210.000m3/ngày.

Nếu không bổ sung nguồn nước ngày cao điểm, Đà Nẵng sẽ thiếu hơn 590 nghìn mét khối nước. Đồng thời, tình trạng nhiễm mặn vẫn đang xảy ra thường xuyên vào mùa nắng nóng, với tần suất và mức độ ngày càng tăng.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01) của Bộ Y tế, độ mặn cho phép trong nước sinh hoạt, ăn uống ở khu vực bình thường là 250mg/l trở xuống là an toàn; riêng khu vực ven biển và hải đảo là 300mg/l trở xuống.

Tuy nhiên, tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu hiện nay cho người dân Đà Nẵng, những ngày nước bị nhiễm mặn, độ mặn trung bình vượt hơn 1.000mg/l, thậm chí độ mặn đo được ngày 28/7/2015 lên đến 13.580mg/l, vượt xa ngưỡng an toàn của nước sinh hoạt. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu nước sạch của thành phố.

Việc lấy nguồn nước trên sông Cu Đê (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) ở khu vực miền núi, hoàn toàn không bị nhiễm mặn, chất lượng nước ở mức an toàn. Điều đó góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước và cuộc sống của người dân, bảo đảm cho tính đồng bộ của việc phát triển các hệ thống cấp nước thành phố Đà Nẵng theo đúng lộ trình đã đề ra.

Dự án Nhà máy nước Hòa Liên chính thức khởi công ngày 25/3/2020, với tổng mức đầu tư là 1.170 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục chính trong giai đoạn I là xây dựng đập tràn thu nước trên sông Cu Đê công suất 120.000m3/ngày; trạm bơm nước thô 120.000m3/ngày; tuyến ống dẫn nước dài hơn 10,2km; nhà máy xử lý có công suất 120.000 m3/ngày đêm.

Giai đoạn II, công suất nhà máy sẽ đạt mức 250.000 m3/ngày, với mục tiêu bổ sung nguồn nước sạch cho các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà và các xã phía bắc của huyện Hòa Vang. Ông Lương Thạch Vỹ, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng, đơn vị được giao chủ đầu tư dự án cho biết: Mặc dù thời gian thi công bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng nhờ sự nỗ lực của các đơn vị thi công, chính quyền địa phương và nhân dân, cuối tháng 3/2022, Nhà máy nước Hòa Liên đã hoàn thành việc xây lắp và chạy thử đạt tiêu chuẩn nước sạch, đến tháng 9/2022 hoàn thành toàn bộ các hạng mục còn lại.

Tuy nhiên, cho đến nay công tác nghiệm thu, bàn giao để quản lý, vận hành vẫn chưa hoàn thành do chưa có đơn vị tiếp nhận và quản lý, khai thác sử dụng; chưa có phương án giá nước sạch và công suất khai thác phù hợp làm cơ sở triển khai thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, nguyên nhân chính là vướng cơ chế về quản lý tài sản công và xây dựng phương án giá nước chưa phù hợp. Bên cạnh đó, việc chậm bàn giao, quyết toán công trình kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cũng như thanh toán cho liên danh nhà thầu. Thời hạn bảo hành máy móc, thiết bị sẽ bị rút ngắn...

Để gỡ vướng cho Dự án Nhà máy nước Hòa Liên, mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng vừa trực tiếp đến kiểm tra nhà máy, làm việc với các đơn vị liên quan để nắm bắt tình hình, tìm hướng giải quyết. Ông Nguyễn Văn Quảng cho rằng, toàn bộ công trình đã hoàn thành từ sáu tháng trước mà đến nay chưa bàn giao, chưa vận hành là quá chậm.

Vì vậy, lãnh đạo thành phố thống nhất giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị thành phố Đà Nẵng tiếp nhận việc quản lý, vận hành Nhà máy nước Hòa Liên. Yêu cầu Trung tâm chủ động tuyển nhân sự phù hợp để Ban quản lý dự án tổ chức đào tạo và chuyển giao công nghệ, hướng dẫn vận hành nhà máy. Về giá nước, trước mắt lấy giá nước sinh hoạt hiện tại ở Đà Nẵng để thực hiện, đồng thời sớm xây dựng phương án, trình UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt phương án giá nước sạch tại Nhà máy nước Hòa Liên, đề xuất công suất khai thác phù hợp làm cơ sở triển khai thực hiện.

Các công việc khác như giải tỏa đền bù phát sinh đối với 23 hộ dân có đất trong khu vực lòng hồ đập ngăn nước, nghiệm thu, đào tạo nhân lực, bàn giao, quản lý vận hành nhà máy phải hoàn thành trong tháng 3. Đến 1/4 tới, nhà máy phải đi vào hoạt động, cung cấp nước sạch bổ sung cho người dân.

Liên quan đến bảo đảm nguồn nước, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng vừa công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt trên sông Cu Đê thuộc Dự án Nhà máy nước Hòa Liên.

Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng chịu trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng; theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình. Trước đó, ngày 16/1/2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 103/QĐ-UBND về việc phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt trên sông Cu Đê thuộc Dự án Nhà máy nước Hòa Liên.