Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành đề án “Phát triển y tế thông minh tại thành phố Đà Nẵng”, trong đó có mục tiêu, đến năm 2025, 100% các cơ sở y tế của thành phố áp dụng mô hình khám, chữa bệnh từ xa chuyên sâu với nhiều chuyên khoa; đến năm 2030, phấn đấu 100% bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy.
Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, triển khai Đề án Y tế thông minh thành phố Đà Nẵng và hình thành hệ thống y tế thông minh trên cả ba trụ cột chính bao gồm: Hệ thống phòng bệnh thông minh; Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh và Hệ thống Quản trị y tế thông minh.
Với tiêu chí 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đồng bộ mã định danh y tế (ID), sử dụng mã định danh cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xây dựng ID y tế trong các phần mềm quản lý liên quan đến công dân; 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai ứng dụng khai thác hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám bệnh, chữa bệnh.
Các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u lớn cho bệnh nhân 87 tuổi vào tháng 2/2024. (Ảnh: ANH ĐÀO) |
Hoàn thành ứng dụng để người dân giám sát hành trình xe cứu thương trên thiết bị thông minh, được bác sĩ theo dõi, tư vấn khi được vận chuyển trên xe cứu thương; 100% các đơn vị sự nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với người dân và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua nền tảng thanh toán chung của thành phố; 100% các trạm y tế xã, phường được tin học hóa…
Đến năm 2030, tiếp tục hoàn thiện Đề án Y tế thông minh thành phố Đà Nẵng với tiêu chí ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại, sử dụng robot trí tuệ nhân tạo trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và đào tạo y khoa; 100% bệnh viện, trung tâm y tế đạt tiêu chuẩn bệnh viện thông minh; 100% các bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy...
Đà Nẵng chính thức vận hành hai công trình y tế trọng điểm được đầu tư gần 1.000 tỷ đồng
Đề án được thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn thu của các đơn vị, với tổng kinh phí 488,95 tỷ đồng.
Khi Đề án hoàn thành sẽ giúp công tác quản lý điều hành các hoạt động ngành y tế được tốt hơn, cải tiến công tác quản lý cũng như phong cách làm việc của cán bộ, nhân viên ngành y tế, nâng cao hiệu quả của công tác phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị, giáo dục và đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học trong ngành y tế.